The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội triển khai nhiệm vụ năm học mới 2014 – 2015

Post by: hn-ams | 21/08/2014 | 2310 reads

Sáng 12/8, tại trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam, ngành GD&ĐT Hà Nội tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2013 – 2014 và triển khai nhiệm vụ năm học 2014 – 2015. Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, PCT UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc…

Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trao Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT cho ngành GD&ĐT Hà Nội

Một năm học bội thu

Báo cáo tổng kết tại Hội nghị, PGĐ Sở GD&ĐT Hà Nội Phạm Thị Hồng Nga cho biết: Hà Nội hiện có 2.552 trường học và các cơ sở giáo dục với gần 1,6 triệu học sinh. Trong đó có 948 trường mầm non, 969 trường tiểu học, 605 trường THCS, 206 trường THPT, 31 trung tâm GDTX, 45 trường trung cấp chuyên nghiệp, 15 trung tâm KTTH. Hà Nội cũng có 426 cơ sở giáo dục ngoài công lập. Với quy mô trường lớp đa dạng nên về cơ bản đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân trên địa bàn Thủ đô.

Năm học vừa qua, ngành GD&ĐT Hà Nội đã đạt nhiều thành tích ấn tượng, được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Bộ GD&ĐT. Cụ thể, Hà Nội đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, về đích trước kế hoạch của thành phố 1 năm và sớm hơn 2 năm so với toàn quốc. Năm 2013, Thành phố giao chỉ tiêu 127 trường đạt Chuẩn quốc gia, ngành GD&ĐT Hà Nội đã thực hiện được 134 trường. Hiện nay, Hà Nội đã công nhận được 4 trường chất lượng cao (1 trường THPT, 1 trường Tiểu học, 2 trường mầm non). Theo kế hoạch, đến hết năm 2015 sẽ có 20 trường đạt tiêu chí chất lượng cao. Đặc biệt, học sinh Thủ đô tiếp tục dẫn đầu toàn quốc với 137 giải HSG quốc gia. Các em cũng giành 18 giải cao trong các cuộc thi quốc tế, trong đó có nhiều HCV tại các cuộc thi Olympic Toán quốc tế THCS, Olympic Vật lý châu Á, Olympic tiếng Nga quốc tế, Olympic Hóa học quốc tế. Ngoài ra, các em đã đạt giải Tư toàn cuộc tại cuộc thi Intel Isef quốc tế và 4 HCV tại cuộc thi “Triển lãm quốc tế về sáng tạo khoa học công nghệ trẻ”. Học sinh Thủ đô cũng lần đầu tiên đạt HCV tại cuộc thi Olympic khoa học trẻ quốc tế…

Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã biểu dương những thành tích mà ngành GD&ĐT Hà Nội đạt được. Bộ trưởng nhấn mạnh: Toàn ngành đã cập nhật quan điểm chỉ đạo của Đảng, có quyết tâm mới, cách làm mới và đạt được những kết quả mới rất đáng ghi nhận. Giáo dục Thủ đô có quy mô lớn nhất cả nước nhưng lại đa dạng với khu vực phát triển nhất cả nước và cả vùng dân tộc, vùng khó khăn. Vì vậy, thuận lợi nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Phát huy truyền thống của giáo dục Thủ đô, năm học vừa qua, ngành vẫn giữ vững được vị trí dẫn đầu. Chất lượng giáo dục đại trà ở các cấp học, ngành học đều khởi sắc. Giáo dục mũi nhọn tiếp tục duy trì ở tốp đầu với 137 giải quốc gia, 18 giải quốc tế. Những thành tích ấy góp phần xây dựng hình ảnh và tạo sự chuyển động của giáo dục quốc gia. 

 

Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo trao Cờ thi đua xuất sắc cho 30 đơn vị

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đánh giá: Năm học vừa qua, ngành giáo dục Thủ đô đã có nhiều cố gắng, khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra và tạo sự chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục. Trong đó, quy mô tiếp tục ổn định, mở rộng và phát triển. Công tác quản lý đổi mới theo hướng phân cấp, giao các trường tự chủ, tăng cường quản lý chất lượng và hiệu quả giáo dục. Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ được quan tâm.Chất lượng giáo dục toàn diện được giữ vững, giáo dục mũi nhọn nâng cao với nhiều thành tích mới ở các cấp học. Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên đưa vào giảng dạy trong các trường phổ thông Bộ tài liệu giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh. Năm học 2013 – 2014, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đạt 98,54%. Tỷ lệ HS đỗ đại học, theo thống kê ban đầu trên 80%. Hà Nội tiếp tục là đơn vị dẫn đầu cả nước về giải HSG quốc gia và quốc tế. Có thể nói, năm học 2013 – 2014 là năm được mùa bội thu của ngành giáo dục Thủ đô”.

Tăng cường đổi mới công tác quản lý

Năm học mới 2014 - 2015, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận yêu cầu ngành giáo dục Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn việc triển khai Nghị quyết 29 của Trung ương về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đào tạo vào thực tế. Trước hết cần tập trung giải quyết một số tồn tại được nhân dân quan tâm như dạy thêm, học thêm, thu chi chưa đúng quy định… Bên cạnh đó cần nâng cao năng lực, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục. Trong công tác đổi mới, Hà Nội cần đi trước trong một số lĩnh vực. Trước hết là ngoại ngữ và tin học. Công tác đổi mới giáo dục không diễn ra đồng loạt mà cho phép có sự chênh lệch. Hà Nội cần đi trước, về đích trước, xứng đáng với vị trí đầu tàu.  


Bộ trưởng Phạm Vũ Luận và Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo khen thưởng các học sinh đạt giải quốc tế

Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo cũng đề nghị: Ngoài nhiệm vụ thường xuyên, ngành giáo dục Hà Nội cần bám sát Nghị quyết Trung ương, Chương trình hành động của Chính phủ, kế hoạch của Thành phố về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Đây là nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, trước hết cần đổi mới tư duy quản lý. Phải đổi mới quản lý toàn diện trên tất cả các mặt như vậy thì công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục mới có thể thành công.

Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ thay mặt ngành GD&ĐT Thủ đô tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bộ và của Thành phố đồng thời nhấn mạnh: Năm học 2014 – 2015, toàn ngành cần tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả, đổi mới công tác quản lý. Tiếp tục xây dựng nhà trường 3 tốt “quản lý tốt – dạy tốt – học tốt”. Triển khai có hiệu quả mô hình trường Chất lượng cao. Thực hiện nghiêm Quyết định 22 của UBND thành phố về quản lý dạy thêm học thêm trên địa bàn thành phố; Nghị định 51 về các khoản thu ngoài học phí, khắc phục tình trạng thu không đúng quy định. Tổ chức hoạt động thanh tra có chiều sâu hoạt động các cơ sở giáo dục, trong đó chú trọng thanh tra các cơ sở ngoài công lập để nâng cao chất lượng giáo dục. Xử lý nghiêm và kịp thời những sai phạm. 

Phó chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc và Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ khen thưởng các học sinh đạt giải cuộc thi Intel Isef quốc tế

Giám đốc Sở cũng yêu cầu các cơ sở giáo dục tập trung mọi nguồn lực nâng cao chất lượng giáo dục thực chất. Tuyển sinh thực hiện 3 giảm: giảm học sinh trên lớp, giảm số lớp của một trường, giảm trái tuyến. Dành điều kiện tốt nhất cho học sinh lớp 1. Tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh theo quan điểm dạy ít, học nhiều. Tăng cường kỹ năng thực hành, vận dụng kiến thức giải quyết các vấn đề thực tiễn. Chú trọng giáo dục phẩm chất, đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh. Nâng cao giáo dục quốc phòng an ninh cho học sinh nhằm giúp thế hệ trẻ hiểu hơn truyền thống dân tộc, ý thức tự hào về độc lập, chủ quyền quốc gia. Rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các địa bàn thành phố. Đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bởi đây là nhân tố mang tính quyết định trong công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục.

Theo hanoi.edu.vn