The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Giáo sư Odon Vallet và cuộc giao lưu đặc biệt với Amser: Giáo dục Việt Nam sẽ đi lên từ chính nỗ lực của các bạn học sinh

Post by: trangdh | 23/08/2014 | 3526 reads

Từ ngày 23/8 – 7/9/2014, các Giáo sư Trần Thanh Vân, Lê Kim Ngọc và Odon Vallet sẽ đi xuyên Việt, từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để trao tận tay từng suất học bổng cho từng học sinh (trị giá 8 triệu đồng mỗi suất học bổng), từng sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh (trị giá 13 triệu đồng mỗi suất học bổng). Năm nay là năm thứ 14 quỹ học bổng Vallet đồng hành với những nhà khoa học tương lai, góp phần chắp cánh ước mơ của các bạn học sinh, góp phần phát triển nền khoa học nước nhà. Và trong quãng thời gian ít ỏi lưu lại Việt Nam, ngày 22/8, Giáo sư người Pháp Odon Vallet đã bất ngờ ghé thăm trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam và có những cuộc trò chuyện, giao lưu rất cởi mở, gần gũi với các Amsers tài năng. 

>> Odon Vallet - Vị giáo sư một lòng vì giáo dục Việt Nam

Giáo sư Odon Vallet

Điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình ghé thăm và giao lưu với các Amsers chính là lớp 12 Lý 1. Năm học 2013 – 2014, lớp 12L1 đã vinh dự và tự hào khi có bạn Vũ Thanh Trung Nam – học sinh của lớp đạt Huy chương Bạc Olympic Vật lý Châu Á – Thái Bình Dương APHO và Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế. Năm học 2014 – 2015, lớp 12L1 càng vinh dự hơn khi có tới ba thành viên của lớp xuất sắc nằm trong danh sách 22 học sinh dành được học bổng do giáo sư Odon Vallet trực tiếp trao tặng vào ngày 24/8 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Buổi giao lưu đã được diễn ra một cách hoàn toàn bất ngờ, các bạn học sinh và kể cả thầy cô giáo bộ môn cũng không hề biết về buổi ghé thăm đặc biệt của giáo sư Odon Vallet.

Trong trang phục áo sơ mi ngắn và quần âu, kèm với chiếc mũ lưỡi trai, giáo sư Odon Vallet đã đến trường Ams trong một hình ảnh thật giản dị, gần gũi và quen thuộc. Ông đã nở nụ cười thật tươi để làm quen với các bạn học sinh lớp 12L1. Trong không khí cởi mở, nhà giáo Lê Thị Oanh – Bí thư Đảng ủy, Hiệu trường trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã trở thành cầu nối giữa giáo sư Odon Vallet và các bạn học sinh, để các bạn học sinh có thể hiểu thêm về con người và tấm lòng nhân tâm, nhân ái của giáo sư.

Giáo sư Odon Vallet sinh ra ở Paris vào ngày 03 tháng 9 năm 1947. Ông là một Tiến sĩ khoa học trong ngành luật học, Giáo sư lịch sử tôn giáo của Đại học Sorbonne nổi tiếng thế giới, và cũng là một nhà văn viết tuỳ bút triết luận nổi tiếng. Cách đây gần 30 năm, ông đã được thừa kế một gia tài lớn là 50 triệu euro (trị giá khoảng 120 triệu euro hiện nay) từ  người cha là Tiến sĩ Jean Vallet, nhưng Giáo sư Odon Vallet không tiêu xài cho riêng mình, mà đem tất cả số tiền ấy gửi ngân hàng, hằng năm lấy lãi để tặng học bổng cho các bạn trẻ học giỏi ở Pháp, ở Việt Nam và ở một nước nhỏ châu Phi là Bénain.

Làm gì với số tiền ấy? Ông không muốn sống như một nhà triệu phú. Không thèm muốn lâu đài, biệt thự, xe to, nhà lớn, ông đã từng kêu than: tôi làm việc nhiều, đâu có thì giờ để mất với những cái phù phiếm ấy! Ông bảo ở nhà rộng nhiều phòng làm gì, ông sẽ lạc lối ngay trong nhà mình. Ông bảo có xe xa hoa làm gì vì không chạy mau được, ở đâu cũng bị giới hạn tốc độ. Có sẵn căn hộ tươm tất, vừa phải ở một khu phố ngay trung tâm Paris, cạnh viện Đại học Assas, ông cũng chẳng bày biện sang trọng, mấy bức tường sắp toàn những kệ sách tràn đầy. Hệ thống hiện đại độc nhất là một bàn chiếu phim lắp ráp giữa phòng khách. Trong lúc đó, ông cũng đã đặt câu hỏi làm sao có thể dùng số tiền này một cách hữu ích nhất. Ông rất am hiểu về sự khó khăn của các bạn học sinh, sinh viên, vì vậy ông không đem tiền biếu tặng ngay vào một qũy từ thiện mà đóng góp toàn số đã nhận được vào một tổ chức, Fondation Vallet, thành lập năm 1999, dưới sự che chở của Fondation de France. 

Theo dõi truyền hình Pháp, đôi lúc sẽ bắt gặp sự có mặt của Giáo sư Odon Vallet trong các chương trình bình luận thời sự. Nhưng ít người biết rằng, vị giáo sư có uy tín lớn và gương mặt khắc khổ ấy lại là một triệu phú có tấm lòng rộng mở đối với các học sinh, sinh viên gặp khó khăn của Việt Nam.

Hiện tại, Odon Vallet vẫn ở trong một căn nhà bình dị giữa thủ đô Paris tráng lệ. Ông không đi làm bằng xe hơi mà vẫn thường xuyên chen mình giữa đám công nhân, sinh viên trên xe bus hoặc tàu điện ngầm để đến công sở làm việc. Đã 14 năm nay ông vẫn đến Việt Nam với bộ comple trắng đã bạc màu nhưng năm nào ông cũng đưa về những học sinh xuất sắc nhất của Việt Nam là học trò của ông tại Pháp, được du học tại Pháp bằng học bổng mang tên Vallet - làm phiên dịch cho mình, đồng thời ông cũng muốn những học sinh đó sẽ là những tấm gương cho các học sinh khác noi theo.  

Điểm dừng chân tiếp theo của giáo sư Odon Vallet chính là lớp 12P2. Đây tuy không phải là một tập thể lớp có học sinh được trao học bổng Odon Vallet, nhưng các thành viên của tập thể 12P2 cũng rất yêu thích khoa học và có niềm đam mê, nguyện vọng muốn đi du học Pháp nó chung hoặc theo học các ngành khoa học tại các trường của Pháp nói riêng. Tại lớp 12P2, giáo sư Odon Vallet đã có những chia sẻ vô cùng thú vị về việc theo học các ngành khoa học ở Pháp. Đây thực sự là một cơ hội hiếm có của các bạn học sinh lớp 12P2, là dịp để các bạn có thể trau dồi thêm vốn Tiếng Pháp (giáo sư Odon Vallet là người Pháp), đồng thời có thêm những định hướng cho con đường học tập sau này.

Và điểm dừng chân cuối cùng trong hành trình ghé thăm các Amsers chính là lớp 11T1. Thật tình cờ khi đó là tiết Vật lý của thầy giáo Đặng Minh Tuấn – một người cũng đã từng được nhận học bổng Odon Vallet. Tại lớp 11T1, thầy Odon Vallet cũng đã có những chia sẻ về việc học bộ môn Toán nói riêng và các bộ môn Khoa học nói chung. Buổi giao lưu đã diễn ra trong không khi rất cởi mở và thân thiện. Có thể nói, ở cả ba lớp mà giáo sư Odon Vallet đi qua, ông đều đã để lại những lời khuyên vô cùng bổ ích, không chỉ về ngành khoa học, mà còn về ngành truyền thông, khoa học, nghệ thuật… 

Trước khi kết thúc buổi giao lưu, nhóm Phóng viên trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam cũng đã có một cuộc phỏng vấn ngắn với giáo sư Odon Vallet: 

Chào ông, Trước hết, chúng cháu xin gửi lời cảm ơn ông đã đồng ý tham gia buổi phỏng vấn. Đây là năm thứ 14 ông quay trở lại Việt Nam để tổ chức trao học bổng, ông có thể chia sẻ cảm xúc của ông khi đến với đất nước và con người Việt Nam lần này được không ạ?

Đối với tôi, Việt Nam là đất nước của sự tiến bộ. Bản thân tôi nhận thấy sự tiến bộ rõ rệt của Việt Nam qua từng năm. Đặc biệt là về việc giảng dạy bộ môn Tiếng Pháp – ngôn ngữ mẹ đẻ của tôi, sự tiến bộ được thể hiện qua chính các bạn – những học sinh song ngữ đang ngồi nói chuyện với tôi đây. Tuy nhiên, phần lớn giới trẻ Việt Nam lại học tiếng Anh. Điều đó là rất tốt và rất cần thiết. Nhưng xét về mặt nào đó, tiếng Pháp lại cũng có thể rất hữu ích cho các bạn đó chứ!

Trên thực tế theo tôi thấy được, Việt Nam đặt tầm quan trọng và dành sự quan tâm cho các  môn khoa học lớn hơn các môn xã hội. Vừa rồi ở lớp Lý 1 có bạn trai đã chia sẻ muốn học về truyền thông. Tôi đã khuyên bạn ấy nếu muốn học truyền thông thì phải thật giỏi trước tiên là Tiếng Việt và sau đó là tiếng Anh. Với thời đại hiện nay, cùng sự trợ giúp của internet, việc tìm tài liệu và tự học không có gì khó. Cùng với đó, học sinh Việt Nam cũng có một hệ thống giáo dục rất tốt cho các em phát triển. Việt Nam là một đất nước có chiều dài lịch sử đáng tự hào. Bản thân tôi đã may mắn có cơ hội gặp Đại Tướng Giáp. Tầm thời điểm 10 năm trước, chúng tôi đã dành hơn 1 tiếng để trao đổi với nhau những chủ đề rất thú vị về giới trẻ Việt Nam.

Thưa ông, ông nghĩ gì về chất lượng dạy và học các môn khoa học ở Việt Nam?

Tôi nghĩ chất lượng dạy các môn khoa học ở Việt Nam, xét trên mặt bằng chung của thế giới, là rất tốt. Và đặc biệt ngôi trường Hà Nội - Amsterdam của các bạn hẳn là ngôi trường tốt nhất rồi! Không những mạnh về các môn khoa học, trường Hà Nội - Amsterdam còn có chất lượng giảng dạy ngoại ngữ tuyệt vời như tiếng Anh hay tiếng Pháp. Ở Huế cũng có trường Quốc Học rất mạnh về các môn xã hội, đó là ngôi trường mà Bác Hồ và Tướng Giáp đã theo học.

Theo ông thì việc giảng dạy và học tập các môn khoa học ở Việt Nam còn có những tồn tại nào cần khắc phục?

Đó cũng là một vấn đề khá lớn đấy. Hiện nay việc đổi mới giáo dục và thi cử ở Việt Nam đang được bàn cãi rất nhiều. Xét về kết quả từ trước đến nay, học sinh Việt Nam đạt được rất nhiều kết quả rất cao về mặt khoa học như các môn Toán, Lý, Hóa, Sinh, hay Tin học. Chúng ta rất xuất sắc về mặt ấy. Điều này là rất tốt. Tuy nhiên, mặt bằng chung, tôi chưa nghĩ chúng ta đã đạt đủ chuyên sâu để thật sự hiểu bản chất của các môn khoa học. Chúng ta học rất nhiều, làm bài rất tốt nhưng lại khó khăn trong việc giải thích các sự vật, hiện tượng thực tế trong cuộc sống hàng ngày. Đối với tôi, việc quan trọng nhất không phải là học quá nhiều, học thuộc lòng các công thức mà phải là học và hiểu. Không chỉ ở Việt Nam, rất nhiều học sinh trên thế giới cũng gặp phải vấn đề này.

Trong năm học 2013 – 2014 vừa qua, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam đã rất vinh dự khi được đón nhận các thành tích tuyệt vời của các đội tuyển thuộc các môn khoa học tự nhiên, có thể kể đến như Huy chương Vàng Olympic Vật lý Quốc tế của bạn Vũ Thanh Trung Nam, hai HCV Olympic Hóa học Quốc tế của hai bạn Phạm Mai Phương và Phạm Ngân Giang. Theo đánh giá của riêng ông thì đây có phải là một kết quả bất ngờ?

Không đâu, kết quả này đâu có bất ngờ. Vì sao vậy ư?

Lý do đầu tiên, đó là Hà Nội. Xuyên suốt truyền thống hiếu học, Hà Nội luôn là cái nôi sản sinh ra nhiều học sinh giỏi nhất. Ở các cuộc thi toàn quốc, bao giờ Hà Nội cũng đạt được nhiều giải hơn cả.

Lý do thứ hai, đó là trường THPT chuyên Hà Nội -Amsterdam. Quay lại lịch sử một chút nhé. Vào năm 1975, người dân thành phố Amsterdam đã giúp nhân dân Việt Nam xây dựng trường cấp 3 này. Vào lúc ấy, Việt Nam đang ở trong tình trạng rất khó khăn và hầu như không có mối liên kết nào với các nước bạn. Thời điểm ấy, trường Hà Nội - Amsterdam là ngôi trường chuyên chất lượng cao đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam. Tính đến nay đã là gần 30 năm rồi. Vinh dự được là trường học chất lượng cao đầu tiên của Việt Nam, đó cũng là một niềm tự hào và là yếu tố quyết định đáng kể đến chất lượng giảng dạy và học tập đó chứ.

Hà Nội là một thành phố có lịch sử lâu đời. Amsterdam cũng vậy. Hai thành phố này giữ được mối quan hệ tốt qua hơn 10000 km quả là một điều đáng quý.

Tại sao ông lại yêu mến và quyết định hỗ trợ cho Việt Nam trong suốt 14 năm qua?

Việt Nam là quốc gia có truyền thống hiếu học lâu đời. Tôi đã đi thăm Văn Miếu - trường đại học đầu tiên của Việt Nam và tôi ngưỡng mộ truyền thống tôn sư trọng đạo của Việt Nam. Nhiều thế hệ học sinh, sinh viên Việt Nam đã đạt những thành tích lớn tại các cuộc thi quốc tế. Đó là lý do vì sao tôi rất hài lòng và tự hào được trao học bổng cho các học sinh, sinh viên Việt Nam gặp khó khăn trong cuộc sống nhưng rất ham học. Tôi luôn mong hỗ trợ các em học tập tốt và trở về đóng góp cho sự phát triển của đất nước Việt Nam. Khi tặng học bổng cho những bạn trẻ ở một đất nước nghèo mà hiếu học như Việt Nam, tôi cảm thấy mình đang làm theo di huấn của cha tôi, "giữ tròn đạo hiếu", như lời dạy của bậc thánh hiền phương Đông... Tại sao tôi không dành số tiền ấy để trao học bổng cho học sinh các nước khác ư? Chính là vì, qua nhiều năm quen biết ông bà Giáo sư Trần Thanh Vân, tôi cảm thấy hiểu, thấy yêu đất nước Việt Nam, đất nước đã phải chịu biết bao hy sinh mất mát. Là một nhà giáo, tôi có nhiều học trò thuộc nhiều quốc tịch. Thế nhưng, tôi vẫn yêu các bạn học sinh, sinh viên Việt Nam hơn cả. Bởi vì đó là những bạn trẻ có đức hạnh, có ý chí, có tài năng. Truyền thống "tiên học lễ, hậu học văn" của văn hóa phương Đông đã hun đúc nên những bạn trẻ thông minh mà hiền dịu khiến cho tôi rung cảm.

Vậy ông nghĩ gì về mối quan hệ giữa Việt Nam và Pháp ạ?

Nhìn chung, Việt Nam và Pháp có một mối quan hệ tốt và liên kết chặt chẽ trên nhiều mặt. Hiện nay có rất nhiều học sinh và sinh viên Việt Nam sống và học tập tại Pháp. Chính phủ Pháp rất khuyến khích điều này. Thêm nữa, Pháp là một quốc gia có rất nhiều ưu đãi và giúp đỡ về mặt chi phí học tập cho cả sinh viên Pháp và sinh viên nước ngoài. Học bổng Odon Vallet tượng trưng cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc Pháp - Việt và so với học sinh các nước khác thì học sinh Việt Nam cần cù, thông minh và thật sự hiếu học.

Chúng cháu xin cảm ơn ông vì buổi trò chuyện rất thú vị này ạ!

PV: Hà Trang P2 1215

Ảnh: Phương Như P2 1215