The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Amser giành 10 học bổng chia sẻ bí kíp du học Mỹ

Post by: hn-ams | 08/12/2013 | 3307 reads

Trần Việt Linh đã xuất sắc giành 10 xuất học bổng trong năm nay và trở thành sinh viên của trường đại học đình đám nước Mỹ tháng 8 vừa qua.

Trong thời gian còn học tập ở trường THPT Hà Nội - Amsterdam, Trần Việt Linh đã gây ấn tượng bởi bảng thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa nổi bật của mình. Không chỉ thế, Việt Linh còn là chàng “thợ săn” học bổng cừ khôi khi nhận được sự đồng ý cấp học bổng của 10 trường Đại học quốc tế trong năm nay.

Không mất quá nhiều thời gian để lựa chọn, Việt Linh đã quyết định chọn suất học bổng toàn phần (cả học phí và ăn ở), khoảng 58.000 USD/1 năm, kéo dài trong 4 năm (hơn 230.000USD/4 năm) tại trường ĐH nổi tiếng Washington and Lee, Mỹ.

Việt Linh bắt đầu hành trình du học tại đất nước rộng lớn vào giữa tháng 8 vừa qua, tính đến giờ là đã được gần 4 tháng. Thời gian tuy chưa nhiều nhưng đủ để chàng trai sinh năm 1994 cảm nhận rõ nét được những khó khăn, sự trưởng thành của mình.

"Khoanh vùng" tìm hiểu trước khi đến Mỹ


Amser đình đám Trần Việt Linh

Cùng lúc giành 10 học bổng nhưng Việt Linh đã quyết định đến Mỹ vì cho rằng đây là một nơi lý tưởng để học tập và cũng khá phù hợp với con người mình.

“Ngay cả khi mình bắt đầu đi du học, mình cũng chưa biết được là mình sẽ muốn học về những lĩnh vực nào, và bậc đại học của Mỹ (không như tại Anh hay Úc) không bắt mình phải chọn ngành học ngay từ đầu mà có thể thoải mái lựa chọn những môn học mà mình thích cho đến cuối năm thứ 2 mới phải quyết định chuyên ngành” - Việt Linh chia sẻ.

Trước khi đến Mỹ, thay vì bỏ thời gian tìm hiểu về phong tục tập quán của người dân Mỹ nói chung và những nền văn hóa khác nhau ở mỗi vùng miền, Việt Linh tập trung tìm hiểu về các truyền thống của trường Washington and Lee cũng như khu vực dân cư xung quanh trường.

Theo Việt Linh, những trải nghiệm thực tế luôn khác với những gì trên sách vở. Và dù đã có sự chuẩn bị kĩ lưỡng nhưng Linh vẫn không tránh khỏi cảm giác lạ lẫm, lạc lõng khi bước vào khuôn viên trường không người quen biết. Tuy nhiên, Linh đã vượt qua và bắt nhịp học tập khá suôn sẻ.

Khó bắt nhịp vì trở ngại giao tiếp

Dù đã học tiếng Anh từ lâu nhưng việc sử dụng tiếng Anh trong giao tiếp với các bạn Mỹ vẫn là một điều thử thách vô cùng lớn đối với Việt Linh: “Có những lúc, các bạn ngoài quốc nói quá nhanh và rất khó để bắt kịp, còn những lúc các bạn ấy lại nói về những chủ đề rất Mỹ như là về các series phim truyền hình hay gameshow, football mà mình không có kiến thức về nó nên không thể bắt chuyện được”.

Trở ngại trong giao tiếp và văn hóa là thử thách lớn đối với Việt Linh (thứ 2 từ trái sang) và nhiều du học sinh khác

Thêm vào đó, sự hài hước của người Việt và người Mỹ cũng vô cùng khác nhau, Linh cho biết, không chỉ cậu mà rất nhiều du học sinh khác khi ngồi nói chuyện với một nhóm các bạn Mỹ và không thể hiểu được họ cười vì điều gì nhưng vẫn phải cố cười trừ theo họ.

Một vấn đề khác nữa mà cá nhân Việt Linh gặp phải là nhớ tên các bạn ngoại quốc trong trường. “Có những cái tên đơn giản như John, Chris,.. khá dễ nhớ, tuy nhiên có những cái tên lại vô cùng khó nhớ với mình. Nhiều lúc mình cảm thấy rất xấu hổ khi phải hỏi lại tên 1 bạn lần thứ 2 hoặc lần thứ 3 thì mới nhớ được” - Việt Linh tâm sự.
May mắn là đối với việc học tập, mặc dù có một số môn học khó, nhưng sự thú vị giúp Linh không gặp quá nhiều khó khăn khi tiếp nhận.

Tự do… trong quy củ

Vì là năm đầu, nên lịch học của Việt Linh chưa dày đặc, chưa có quá nhiều bài tập. Chỉ có thời gian thi giữa kì, và thi cuối kì làm Linh cảm thấy áp lực rõ rệt. Những khoảng thời gian còn lại, Linh vẫn rất thoải mái và có thể thu xếp làm những việc bản thân thích như nghe nhạc và chơi thể thao với bạn bè.

4 tháng, thời gian đủ để Linh nhận thấy một điều rằng, mặc dù Mỹ là một đất nước tự do, nhưng mọi thứ đều có quy củ, con người rất ý thức và trách nhiệm. Linh lấy ví dụ về giao thông tại đất nước này: “Dù có nhiều tuyến đường nhỏ không có đèn giao thông nhưng lúc nào các xe cũng nhường nhau và tự động nhường đường cho người đi bộ”.

Dù việc học và làm thêm khá bận rộn nhưng Việt Linh vẫn cố gắng tranh thủ

tham quan một số địa danh thắng cảnh và tham gia các lễ hội tại Mỹ

Ở trường, Việt Linh ấn tượng với một quy định tên là Honor Code. Quy định này buộc các học sinh phải tuyệt đối trung thực, giáo viên luôn tin tưởng vào học sinh. Học sinh có thể mang các bài kiểm tra về nhà làm, hoặc đến bất kì đâu để làm, sau đó nộp lại cho giáo sư. Ngay cả các bài kiểm tra làm tại lớp thì cũng không có giáo viên giám sát. Kể cả đối với kì thi cuối kì, học sinh cũng sẽ được tự mình chọn thời gian để hoàn thành bài kiểm tra.
“Theo cá nhân mình thấy, mọi học sinh đều rất tuân thủ quy định về sự trung thực của mình. Ngoài ra, nếu bị phát hiện gian dối, đạo văn, quay cóp, thì chỉ cần một lần vi phạm cũng sẽ bị đuổi học” – Việt Linh chia sẻ thêm về việc học ở lớp.

Xa xỉ với du học sinh là để thời gian trôi qua vô ích

Ở trường, Việt Linh có một nhóm các bạn học sinh quốc tế đến từ nhiều nước khác nhau, những người bạn này vô cùng cởi mở và tốt bụng. Linh tâm sự: “Mình không chỉ được trải nghiệm sự đa dạng về văn hóa của các bạn ở đây, mà còn được các bạn học sinh quốc tế giúp đỡ rất nhiều vì họ cũng có những khó khăn về khác biệt văn hóa giống như mình”.

Sinh sống và học tập ở Mỹ một thời gian, Việt Linh rút ra cho mình một bài học xương máu là phải luôn cởi mở với mọi người. “Vì sẽ có những bạn tỏ ra ít nói và lạnh lùng, nhưng thật sự họ rất tốt và thú vị. Nếu như mình mở lòng trước với người ta thì họ cũng sẽ sẵn sàng kết thân với mình” - Việt Linh giải thích.

Trao đi sự cởi mở và thân thiện, bạn sẽ nhận lại được tình cảm chân thành

Theo luật thì du học sinh không được đi làm bên ngoài nên Việt Linh quyết định xin làm phụ bếp ở nhà ăn trong căng-tin trường. Dù số tiền được trả mỗi tháng không nhiều nhưng cũng đủ để Linh trang trải phần nào các khoản sinh hoạt phí, và đặc biệt là mang đến nhiều là cơ hội học hỏi về văn hóa và gặp thêm nhiều người thú vị ở trường.

Vì thời gian học tập nhiều, ngoài học tập còn có nhiều công việc và hoạt động khác cần tham gia nên theo Linh, để thời gian rỗi, trôi qua vô ích là một điều khá xa xỉ đối với tất cả du học sinh.

Dù nhiều lúc cũng nhớ nhà, nhớ người thân nhưng chưa bao giờ Việt Linh nghĩ đến chuyện sẽ bỏ ngang việc học và quay trở về Việt Nam. Chàng trai này đang nỗ lực từng ngày để thích nghi và hòa nhập với cuộc sống nơi xứ người.

Nhiều bạn vẫn luôn thắc mắc rằng: Đi du học làm gì khi mình còn chưa biết sẽ học gì làm gì trong tương lai? Việt Linh muốn gửi gắm lời khuyên đến các bạn này là: “Ngay cả khi bạn chưa có dự định gì, hãy cố gắng nuôi dưỡng ý định du học của mình, bởi du học nó không chỉ là giáo dục, mà còn là trải nghiệm và định hướng. Chương trình giáo dục mở sẽ giúp bạn tìm được điều mình thật sự muốn học, và con đường mà bạn muốn đi sau này”.

(Theo Tiin)