The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Trò chuyện với nữ sinh trường Ams nhận học bổng 320.000 USD của Đại học Harvard

Post by: hn-ams | 26/04/2014 | 4633 reads

Lã Hồ Minh Khuê, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam có lẽ là trường hợp duy nhất được ĐH Harvard tặng suất học bổng 320.000 USD. Ở em là sự tự tin, thông minh nhưng vô cùng điềm đạm và khiêm tốn.

Cảm xúc của bạn khi nhận thông tin được ĐH Harvard nhận hồ sơ và cấp học bổng 320.000 USD/4 năm học?

- Hơn một tháng sau khi nộp hồ sơ, đến tháng 12/2013 mình nhận được thông báo trả kết quả của ĐH Harvard. Hôm đó là thứ Sáu ngày 13 bên Mỹ nhưng bên mình là ngày 14 rồi. Mình nghĩ sẽ hét toáng lên vì vui sướng mà không hiểu sao khi nhận tin vui lại thấy bình tĩnh. Rồi sau đó thì hai mẹ con cứ ôm chầm lấy nhau vì sung sướng.

Lã Hồ Minh Khuê và mẹ-nhà báo, nhà văn Hồ Thị Hải Âu. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Bạn đặt mục tiêu vào Harvard từ khi nào?

- Điều này thật sự rất khó nói. Đầu tiên mình nhận ra triết lý giáo dục của ĐH Harvard và những điều được mẹ dạy có nhiều điểm tương đồng.

Chúng ta thường quan niệm có năng khiếu mới học được đàn, piano. Nhưng Harvard cho rằng học để phát triển tố chất chứ không phải có tốt chất mới học.

Hồi 4-5 tuổi làm sao mình biết mình có tố chất, học đàn, học vẽ hay bơi, toán, văn, tiếng Anh. Mẹ chỉ nghĩ mình có quyền được học để phát triển tất cả tố chất tốt nhất mình có. Nếu không có quan niệm đó có lẽ đến giờ âm nhạc hay hội họa đã không trở thành một phần rất rất quan trọng trong cuộc sống của mình rồi.

Còn nếu nhận ra rõ ràng quyết tâm cần tới Harvard có lẽ vào khoảng thời gian lớp 8, lớp 9.

Nhờ có mẹ luôn bên cạnh suốt 18 năm qua nên mình như được truyền thêm quyết tâm, nỗ lực hết mình để đạt được mục tiêu đã đề ra.

Vậy có phải mẹ là người định hướng cho bạn phải vào Harvard?

- Mẹ cho mình học những điều đó đơn giản chỉ để con phát triển toàn diện. Mẹ không kỳ vọng mình phải trở thành nhạc sĩ, họa sĩ hay trở thành ai đó cao siêu mà đơn giản chỉ muốn mình hạnh phúc.

Nỗ lực

Từ khi biết có mục tiêu bạn  đã nỗ lực chuẩn bị như thế nào?

- Điểm số để nộp hồ sơ vào ĐH Harvard bắt đầu tính từ khi bạn học THCS. Khoảng thời gian THCS mình chỉ biết cần phải đạt điểm số cao nhất có thể. Lên lớp 10 mọi thứ bắt đầu rõ ràng hơn. Mình tiếp tục tập đàn, vẽ nhưng dành thêm thời gian ôn luyện các kỳ thi chuẩn hóa của Mỹ như TOEFL iBT, SAT1, SAT2, GAP.

Sang lớp 11 mình hoàn thành xong hết các kỳ thi này để tập trung cho chuẩn bị các hoạt động xã hội.

Còn những hoạt động xã hội của bạn thì sao?

- Mình từng đoạt giải bạc trong cuộc thi piano quốc tế tại Hàn Quốc năm 2010.

Tháng 6/2013, mình thực hiện thành công hai dự án nghệ thuật của mình, đó là đêm hòa nhạc “Giai điệu Mùa Hạ” với bản Concerto Piano Beethoven N.3 cùng dàn nhạc Giao hưởng Nhà hát Nhạc Vũ kịch mà Khuê là pianist và một triển lãm nghệ thuật cá nhân mang tên “Tình yêu của tôi” trưng bày 22 tác phẩm hội họa mà Khuê sáng tác…

Thành công của hai dự án đó đã giúp mình được nguồn quỹ nho nhỏ để gây dựng 22 tủ sách cho một dự án sách hóa nông thôn.

Tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động giáo dục khác, mình không hề nghĩ đến chữ “du học” mà chỉ đơn giản nghĩ rằng, đây là công việc mình muốn làm, muốn dấn thân… và mình cần phải cố gắng.

Bài luận dưới cơn mưa rào mùa hạ

Bài luận là một phần rất quan trọng để các ĐH lớn trên thế giới tuyển sinh viên. Bài luận của bạn được viết như thế nào?

- Quá trình viết bài luận là trải nghiệm khám phá bản thân đầy thú vị với mình. Ngoài các con số trên giấy tờ bạn đã nộp thì Harvard hay các ĐH lớn cần biết bạn là ai ở ngoài đời thực, những niềm đam mê của bạn như thế nào,..

Mình viết nháp có lẽ hơn 50 lần trước khi hoàn thành bản chính. Bài luận là sự xâu chuỗi 3 thế hệ trong gia đình mình từ bà ngoại, mẹ và mình. Chủ đề chính của bài viết là chúng ta đừng chờ đợi cái cuộc đưa đến mà phải tự tạo cơ hội cho mình, đừng nhận tất cả cuộc sống đưa đến mà hãy tạo ra cái gì ta xứng đáng nhận.

Dòng suy nghĩ này chợt đến khi mình đi học đàn dưới cơn mưa rào mùa hạ.

Còn cửa ải cuối cùng là phỏng vấn thì sao?

- Trước ngày nhận kết quả 15 ngày mình nhận được cuộc điện thoại. Một luật sư lớn tuổi người Mỹ là đại diện trường Harvard gọi nói ông được giao trách nhiệm sang VN trực tiếp phỏng vấn mình.

Trước buổi phỏng vấn mọi người nói bác là luật sư nổi tiếng lại có tuổi nên chắc chắn sẽ rất nghiêm khắc nên có phần run. Mẹ động viên mình mọi thứ mẹ đã chuẩn bị cho mình suốt 18 năm rồi, hãy cứ thật thà nói những gì mình có, đừng giấu diếm.

Rất thú vị là bước vào phòng ông ở tại khu đô thị Ciputra Thăng Long mình nhìn thấy một bức tranh lụa treo trên tường. Mình hỏi tranh ông mua hay được ai tặng. Ông nói tranh vợ vẽ. Ông và bà rất đam mê hội họa.

Vậy là có cái cớ rồi. Cứ thế sau đó câu chuyện trôi đi êm đẹp thôi.

Gặp mình, ông để trên bàn một chiếc đồng hồ và nói Harvard trả ông 500 USD mỗi giờ. Ông sẽ phỏng vấn mình 45 phút. Nhưng 45 phút trôi qua, ông đã cất đồng hồ đi và nói nó không còn ý nghĩa lúc này nữa.

Cuối cùng cuộc phỏng vấn kéo dài hơn 2 tiếng. Lúc xuống mình nhìn mặt mẹ tái đi, chắc vì lo quá, không biết chuyện gì xảy ra.

Sau đó mấy ngày ông tiếp tục có các buổi phỏng vấn mình. Một buổi tối mình nhận được email ông gửi. Ông nói tôi vừa viết xong bản báo cáo về em và gửi đại diện tuyển sinh bên trường, có lẽ đây là bản báo cáo kỹ nhất mà tôi từng viết.

Đến nay mình và ông vẫn thường xuyên liên lạc. Mình coi ông như người bạn lớn tuổi.

Sắp tới bạn sẽ chọn chuyên ngành gì theo học?

- Hiện mình đang học thêm violon. Sang Mỹ mình muốn học ngoại giao và nghệ thuật ở Havard không chỉ vì ngôi trường này là nơi hoàn hảo để đào tạo ra những nghệ sỹ lớn, những nhà ngoại giao danh tiếng mà còn bởi triết lý giáo dục của trường rất tương đồng quan điểm giáo dục mình được mẹ dạy.
Cảm ơn bạn!

(Theo Vietnamnet)