The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Lễ kỉ niệm ngày nhà giáo Việt Nam 20/11: “Hà Nội-Amsterdam Chặng đường 30 năm và khát vọng tương lai”

Post by: webams | 11/11/2015 | 5847 reads

Sáng ngày 11/11/2015, Lễ Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam đã diễn ra trong không khí bồi hồi và xao xuyến tại Hội trường 700 chỗ với sự góp mặt của các thầy cô nguyên Giám hiệu Nhà trường, các cựu giáo chức, các thế hệ cựu học sinh tiêu biểu và toàn thể Hội đồng giáo dục nhà trường.

Mang chủ đề “Chặng đường 30 năm & khát vọng tương lai”, buổi lễ đã tái hiện lại 30 năm xây dựng và phát triển của Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, đưa các cựu giáo chức và học sinh về lại những giây phút ban đầu lưu luyến, ngược dòng thời gian để tìm lại những kỷ niệm và khoảnh khắc chỉ còn lại trong ký ức thân thương.

 Mở đầu cho chương trình là tiết mục văn nghệ liên khúc “Mái trường mến yêu/Bài ca Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam” biểu diễn bởi khối THCS và Chi đoàn 11 Văn, 11 Lý 2.

 Tiết mục liên khúc mở đầu chương trình


Khai mạc buổi lễ, Nhà giáo Lê Thị Oanh – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng nhà trường phát biểu tri ân các thế hệ đi trước. Cô nhắc đến mô hình cổng trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cũ ở phố Nam Cao được đặt ngoài đại sảnh: “Ams Nam Cao trong Ams Hoàng Minh Giám” tượng trưng cho sự hiện diện của giá trị cốt lõi và truyền thống Ams lâu đời ngay tại ngôi trường mới và những thế hệ đầu tiên đã đặt nền móng vững chắc, tạo dựng niềm tin và sức mạnh phi thường để Ams được như ngày hôm nay. Vì vậy, mô hình cổng trường là để tri ân và mang lại không khí quen thuộc, gần gũi cho các thế hệ cũ. Kết thúc bài phát biểu, cô cũng mong muốn được hẹn gặp các cựu giáo chức và cựu học sinh vào ngày kỷ niệm 30 năm thành lập trường 26/12/2015.

Nhà giáo Lê Thị Oanh – Bí thư Đảng uỷ, Hiệu trưởng Nhà trường phát biểu khai mạc

Trong niềm vui hội ngộ của ngày lễ thiêng liêng, những người còn ở lại cũng không quên tưởng nhớ những nhà giáo đã mất. Cả hội trường đã dành 1 phút mặc niệm, bồi hồi nhớ về những thầy cô đã mãi đi xa. Chặng thứ nhất của phần toạ đàm mang chủ đề “Hà Nội – Amsterdam: Viết từ lịch sử” là phần trò chuyện, tâm sự của NGƯT Đào Thiện Khải – Hiệu trưởng Nhà trường giai đoạn 1995-1998, NGƯT Đỗ Lệnh Điện – Hiệu trưởng Nhà trường giai đoạn 1998-2008 và Nhà giáo Lê Thị Oanh, Hiệu trưởng Nhà trường giai đoạn 2013 đến nay.

Chia sẻ về trường những năm đầu tiên, thầy Đào Thiện Khải đã vui vẻ kể lại những cảm xúc hồi hộp thời còn làm Hiệu phó, lần đầu quản lý một ngôi trường chuyên mà theo lời thầy là “vừa theo chuẩn mực, vừa không theo khuôn mẫu nào”. Thầy nói rằng: “Trường đi theo khuôn mẫu là do nhiều lớp chuyên thì tạo nên một trường chuyên. Nhà giáo giỏi chuyên dạy, học sinh giỏi chuyên học đã làm nên trường Hà Nội – Amsterdam.” Tuy nhiên, trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam chẳng đi theo một đạo lý hay hình thức có sẵn nào là vì trường luôn hội nhập từ rất sớm. Từ sự kiện Đêm thơ học trò, cuộc thi Học sinh thanh lịch hay ngay cả tên trường có danh từ riêng trong tiếng nước ngoài đều đi trước thời đại. Thầy Khải cho rằng chính những điều này đã đưa Ams trở nên năng động, hiện đại hơn hẳn so với các trường chuyên khác ở Hà Nội. 


 NGƯT Đào Thiện Khải ôn lại kỷ niệm của trường xưa

Khi được hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ nhất với khối chuyên Lý, Nhà giáo Đỗ Lệnh Điện đã kể lại hai câu chuyện hết sức thú vị. Câu chuyện đầu tiên là về cựu học sinh Nguyễn Hoàng Long, cậu học trò mà thầy đã tin tưởng giao cho làm lớp trưởng. Tuy Nguyễn Hoàng Long không học trường Ams cấp 2 và cũng không có kinh nghiệm làm cán sự lớp, thầy đã không hề sai khi đặt niềm tin vào anh bởi lẽ về sau, cậu học trò này đã trở thành Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Ý nhiệm kỳ 2012-2015, Quyền Cục trưởng Cục ngoại vụ - Bộ Ngoại Giao. Qua kỷ niệm này, thầy nhắn nhủ đến các thầy cô giáo  rằng phải nhìn vào tiềm năng và những gì học trò làm được chứ không chỉ nhìn vào lý lịch. Câu chuyện thứ hai thầy chia sẻ là kỷ niệm về lần đấu tranh cho bài thi của học sinh được lên điểm. Năm 1994 khi dẫn học trò đi thi Quốc tế, thầy đã lập luận, bảo vệ thành công bài thi, tăng cho cựu học sinh Đinh Sỹ Quảng từ 26,3 lên 27,3, đủ điểm đạt Huy chương Đồng. Thông điệp thầy muốn nhắn nhủ là để đào tạo học sinh giỏi thì phải không ngừng cố gắng, hỗ trợ các em.

NGƯT Đỗ Lệnh Điện (ở giữa) cũng bồi hồi nhớ về những ký ức tươi đẹp

Kết thúc chặng toạ đàm “Viết từ lịch sử”, Nhà giáo Lê Thị Oanh đã chia sẽ về những khát vọng về trường trong những năm tới với tư cách là Hiệu trưởng. Cô chia sẻ "Trong hội nhập QT, mọi khoảng cách đều thu hẹp lại, tính chất xuyên quốc gia sẽ gia tăng. Lớp công dân tương lai mà chúng ta đào tạo không chỉ là nguồn nhân lực VN, mà là nguồn nhân lực của thế giới với tư duy và kỹ năng làm việc toàn cầu. Tương lai của HNA đòi hỏi chúng ta vượt qua các biên giới địa lý và trí tuệ để chia sẻ cùng một bầu không khí toàn cầu đang thay đổi mạnh mẽ, vì vậy chúng ta cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình đối với HNA tương lai trong một thế giới rộng lớn và nhiều biến động. Cần phải thấy rõ từ trên biểu tượng logo rằng chúng ta sẽ là một ngôi trường luôn phấn đấu vì những giá trị hàng đầu, sẽ là biểu tượng cho việc mở rộng tri thức quốc tế. Chúng ta phải nắm lấy vai trò đó một cách tích cực với những suy nghĩ sâu sắc. Trong bối cảnh giáo dục quốc tế đang đâm chồi và phát triển mạnh mẽ tại VN dưới những hình thức vừa giống vừa không giống VN, giáo dục phổ  thông đang bị cạnh tranh mạnh trên phạm vi toàn cầu, chúng ta vẫn vững tin vào đổi mới không ngừng. Chúng ta được thừa hưởng văn hóa sáng tạo từ các thế hệ nhà giáo đi trước, những người đã định hình để chúng ta khẳng định được những giá trị của HNA hôm nay. Họ đang khích lệ, thúc đẩy chúng ta phải làm rạng danh hơn nữa tên tuổi của HNA. Khát vọng trở thành ngôi trường hàng đầu, là nơi đào tạo nguồn nhân lực trọng yếu của QG sẽ phải trở thành đặc quyền và trách nhiệm của HNA. Chúng ta sẽ viết tiếp tương lai bằng niềm tin vào vị thế và tầm vóc mới của HNA và tương lai sẽ khẳng định HNA của chúng ta"". 

Nhà giáo Lê Thị Oanh - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng nhà trường đón nhận giấy chứng nhận đăng kí nhãn hiệu và bản quyền sở hữu trí tuệ cho logo trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam ngày 29/1/2015

Chặng thứ hai của buổi toạ đàm mang tên “Hà Nội – Amsterdam: Viết tiếp tương lai” là buổi giao lưu giữa Nhà giáo Dương Tú Anh – Cựu học sinh chuyên Văn, giáo viên Ngữ Văn, Phó Hiệu trưởng Nhà trường; ông Phạm Nguyên Minh – Trưởng Ban đại diện CMHS; Nhà giáo Hàn Thu Thuỷ - giáo viên Vật lý có nhiều học sinh đạt Huy chương Quốc tế; Cựu học sinh Nguyễn Hoàng Long – Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Italia nhiệm kỳ 2012-2015, Quyền Cục trưởng Cục Ngoại vụ - Bộ Ngoại Giao và em Phan Minh Đức – HS lớp 9A, 3 lần đạt Huy chương Vàng trong các kỳ thi Toán học trẻ Quốc tế.

Là phụ huynh của em Phạm Nam Khánh, học sinh lớp 10 đứng đầu kỳ thi HSG Thành phố lớp 12 năm 2015, ông Phạm Nguyên Minh đã đại diện cho hội CMHS nhà trường chia sẻ những kinh nghiệm dạy bảo con. Ông cho rằng muốn con thành công thì phải chịu khó chia sẻ, sát cánh bên con. Ngoài ra, ông cũng thay mặt gia đình cảm ơn sự đóng góp và nỗ lực không thể thiếu của các thầy cô và nhà trường trong chặng đường mà Nam Khánh đã đi.

Nhà giáo Hàn Thu Thuỷ - Tổ phó tổ Vật lí, người đã giúp các em học sinh của mình đem về nhiều tấm Huy chương Vật lý Quốc tế rực rỡ. Năm 2013, học sinh của cô là em Bùi Quang Tú đã giành 2 tấm HCV. Năm 2014-2015, em Vũ Thanh Trung Nam cũng đã dành được 3 tấm HCV. Đặc biệt hơn, cả hai em học sinh kể trên đều là những học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhà giáo Hàn Thu Thuỷ bày tỏ rằng sự đoàn kết của tổ Vật lý, sự hết lòng vì học sinh, sự siêng năng, sáng tạo và luôn sẵn sàng học hỏi đã giúp cô đào tạo hiệu quả những học sinh của mình. “Trong bạn có thầy, trong trò có bạn” là tâm niệm cô luôn khắc sâu trong tim. Với vai trò là một giáo viên Lý, cô luôn tự nhủ phải “Hấp thụ năng lượng, tiếp thu ánh sáng” từ những người đồng nghiệp và thế hệ đi trước để từ đó truyền lại cho học sinh.

Nhà giáo Hàn Thu Thủy (thứ 2 từ trái sang)

Đại diện cho thế hệ đi trước, anh Nguyễn Hoàng Long, cựu HS thành đạt của Nhà trường chia sẻ về hành trang vô giá mà Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã để lại cho anh. Điều đã tiếp sức cho anh trên con đường sự nghiệp ngoại giao hiện tại chính là sự tự tin và niềm tự hào mà anh có được trong những năm tháng theo học tại Ams. Anh cũng nhắn nhủ tới các thế hệ Amser của ngày hôm nay, anh gửi gắm rằng các em học sinh hãy luôn giữ lửa nhiệt huyết và hoài bão. Tiếp nối truyền thống, em Phan Minh Đức, học sinh lớp 9A đã thay mặt thế hệ Amser ngày hôm nay phát biểu quyết tâm luôn cố gắng và nỗ lực để cống hiến nhiều hơn trong tương lai.

Cựu HS Nguyễn Hoàng Long nhắn nhủ những thông điệp ý nghĩa đến thệ hệ Amser hôm nay

Kết thúc phần toạ đàm là tâm sự của cô Dương Tú Anh, người đã gắn bó với trường dưới cương vị là học sinh, giáo viên, và giờ đây là quản lý. Cô nhắc nhở các giáo viên trẻ dù có hiện đại, tự tin, năng động đến mấy cũng không được quên nguồn cội và cốt lõi Ams truyền thống. Cô cũng xin chào đón sự trở về của các thế hệ trước và đón nhận bằng cả tấm lòng những món quà vô giá từ các cựu giáo chức và nguyên giám hiệu.

Khép lại buổi lễ, Nhà trường và đại diện hội cựu học sinh Hanoi – Ams Organization tặng hoa và quà cho nguyên giám hiệu và cựu giáo chức và các tổ bộ môn. Chị Nguyễn Thanh Hải (cựu HS khoá 1985-1986) đã lên phát biểu tri ân và không kìm nén nổi những giọt nước mắt xúc động khi cảm xúc mãnh liệt ùa về.

Cựu Học sinh Nguyễn Thanh Hải phát biểu tri ân các thầy cô

Thầy Nguyễn Kim Hoãn - Nguyên Hiệu trưởng nhà trường cùng các thầy cô cựu giáo chức chụp ảnh bên cổng trường Ams cũ trong lòng trường Ams mới

Các anh chị cựu Học sinh Amser chụp ảnh lưu niệm

 Buổi lễ tri ân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 với chủ đề hướng tới ngày kỷ niệm 30 năm thành lập trường đã làm sống lại nhiều ký ức về một thời của các thế hệ Amser trước. Chúc các thầy cô, các anh chị cựu học sinh, học sinh trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn mạnh khoẻ, hạnh phúc và  lưu giữ trong trái tim những khoảnh khắc đáng nhớ dưới mái trường Ams.

PV: Lê Minh Trang (11 Anh 1 14-17)