The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Những ý tưởng khởi nghiệp từ thực tiễn

Post by: webams | 21/03/2023 | 1148 reads

Tại Cuộc thi Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2023, Hà Nội có 5 dự án được vào vòng chung kết.

>> BÌNH CHỌN CHO AMSERS VỚI SẢN PHẨM VÀO VÒNG CHUNG KẾT QUỐC GIA CUỘC THI “HỌC SINH, SINH VIÊN VỚI Ý TƯỞNG KHỞI NGHIỆP” NĂM 2022

Nhóm học sinh thực hiện dự án “Vòng quay yêu thương - Môi trường bền vững”. Ảnh: TG
Nhóm học sinh thực hiện dự án “Vòng quay yêu thương - Môi trường bền vững”. 

Trong đó có nhiều đề tài mang tính thực tiễn cao, nảy sinh từ những yêu cầu cấp thiết trong cuộc sống.

Mặt nạ phòng độc

Phát triển và kinh doanh mặt nạ SF tích hợp bình oxy sử dụng trong phòng cháy và phòng độc là dự án khởi nghiệp của nhóm học sinh đến từ các Trường THCS Thanh Xuân (quận Thanh Xuân) và THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy). Nghiêm Gia Minh, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết: Thời gian qua có nhiều vụ cháy xảy ra trên địa bàn Hà Nội, gây thiệt hại lớn về con người và vật chất. Do đó, nhóm đã nghiên cứu đề tài Phát triển và kinh doanh mặt nạ SF tích hợp bình oxy sử dụng trong phòng cháy và phòng độc.

Sản phẩm là mặt nạ tích hợp bình oxy được sản xuất với kích thước nhỏ, gọn nhằm mục đích phòng độc cho người lao động trong môi trường độc hại, phòng ngạt khói và kéo dài sự sống cho nạn nhân trong các sự cố cháy, nổ. Sản phẩm còn được tích hợp thêm đèn LED giúp việc sử dụng và công tác tìm kiếm cứu hộ trở nên dễ dàng hơn.

Về tính khả thi, theo Gia Minh, sản phẩm dễ dàng được sản xuất với nguồn cung ứng nguyên liệu đầu vào dồi dào, quy trình lắp ráp đơn giản, dễ thực hiện và không thải độc ra môi trường. Sản phẩm có giá thành thấp hơn với mặt hàng hiện có trên thị trường. Do đó, nhóm tự tin về tính thương mại khả thi của dự án.

Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường

“Vòng quay yêu thương - Môi trường bền vững” là tên dự án khởi nghiệp của nhóm học sinh đến từ các Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (quận Cầu Giấy), Trường THCS Vân Hồ (quận Hai Bà Trưng), Trường THCS - THPT Newton (quận Bắc Từ Liêm).

Chia sẻ về dựa án, Tạ Việt Bách, trưởng nhóm nghiên cứu, cho hay: Dự án tạo ra thiệp, kẹp sách, giấy vẽ tùy theo nhu cầu của người dùng. Sản phẩm có giá cả cạnh tranh, được sản xuất từ thành phần tự nhiên, không để lại tồn dư hóa chất, không thải độc chất ra môi trường. Có nhiều mẫu mã, đa dạng để khách hàng có thể sử dụng làm quà tặng vào các dịp lễ, tết, sinh nhật.

Điều đặc biệt, mỗi sản phẩm tạo ra đều mang giá trị tinh thần khác biệt nhằm truyền tải thông điệp yêu thương của con người. Người tiêu dùng có thể tự tay hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu, sở thích… Sản phẩm có khả năng thương mại hóa cao vì nguyên vật liệu có sẵn nên dễ tìm kiếm; quy trình sản xuất không phức tạp, không yêu cầu máy móc thiết bị đắt tiền nên có giá thành phù hợp với lứa tuổi học đường. Một phần kinh phí thu được từ dự án được dùng để tặng quà cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong nhà trường hoặc phục vụ cộng đồng.

Đèn học thông minh

“Đèn học thông minh hỗ trợ điều chỉnh tư thế ngồi học và bảo vệ mắt” là dự án khởi nghiệp đầy tham vọng của nhóm học sinh Trường THCS Trương Công Giai (quận Cầu Giấy), Trường THCS Đô thị Việt Hưng (quận Long Biên), Trường THCS Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy), Trường THCS Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy).

Theo trưởng nhóm Nguyễn Hữu Phúc, đèn học có chức năng điều chỉnh độ sáng thích hợp để bảo vệ mắt, hỗ trợ và nhắc nhở người học tư thế ngồi đảm bảo các yêu cầu về an toàn thị giác, tránh bệnh về xương khớp, cong vẹo cột sống; đồng thời hỗ trợ cha mẹ nhắc nhở và giám sát việc học của học sinh thông qua công nghệ IoT.

Tự tin về tính khả thi của dự án, Phúc cho biết nhóm sẽ sớm thương mại hóa sản phẩm. Đây là mô hình đèn học thông minh tích hợp hệ thống thiết bị và cảm biến hỗ trợ giám sát, loa, mic kết nối smartphone. Ý tưởng trên chưa được tích hợp trên các dòng sản phẩm đang bán trên thị trường.

Những ý tưởng khởi nghiệp từ thực tiễn ảnh 1

Nhóm học sinh thực hiện dự án "Phát triển và kinh doanh mặt nạ SF tích hợp bình ôxy sử dụng trong phòng cháy và phòng độc". Ảnh: TG

Hỗ trợ người cao tuổi

Nhóm học sinh Trường THCS Thanh Xuân đã tập trung nghiên cứu phát triển sản phẩm Sywalk - Sản phẩm hỗ trợ người cao tuổi và người yếu thế với mong muốn giúp đỡ những người thuộc nhóm yếu thế có thể cải thiện bớt khó khăn hàng ngày trong việc hòa nhập với gia đình và xã hội.

Sản phẩm là một cây gậy thông minh, giúp người dùng kiểm soát được sức khỏe nhờ bộ phận cảm biến đo nhịp tim, thân nhiệt. Ứng dụng sóng siêu âm để cảnh báo vật cản cho người dùng thông qua giọng nói và rung động cơ học. Cùng với đó là chuông báo khẩn cấp tự động phát tín hiệu nếu người dùng bị ngã, liên lạc cứu hộ với người thân thông qua việc xác định tọa độ GPS.

Đặng Tuấn Hưng - học sinh Trường THCS Thanh Xuân - chia sẻ: Dự án không chỉ có ý nghĩa kinh tế, mà còn tạo ra giá trị nhân văn cho cộng đồng. Sywalk có giá thành phù hợp với đại đa số người cao tuổi và người thuộc nhóm yếu thế trong xã hội.

Sywalk có giá trị kinh doanh cao bởi thị trường tiêu thu rộng lớn, đối tượng khách hàng đa dạng. Hiện chưa có nhiều sản phẩm cùng loại trên thị trường được sản xuất trong nước, mà hầu hết là hàng nhập ngoại với giá thành rất đắt đỏ. Sản phẩm đã đưa ra thị trường thăm dò và nhận được những phản hồi rất tích cực.

Hỗ trợ người nhà bệnh nhân đột quỵ

“Nền tảng kết nối người nhà bệnh nhân bị đột quỵ và người có chuyên môn chăm sóc” là ý tưởng khởi nghiệp dựa trên công nghệ 4.0 của nhóm học sinh Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Người nhà bệnh nhân đột quỵ được kết nối với người có chuyên môn chăm sóc một cách nhanh chóng.

Tính độc đáo, sáng tạo của dự án là ứng dụng nền tảng công nghệ thông tin để kết nối cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu về người có chuyên môn chăm sóc bệnh nhân bị đột quỵ. Qua đó giảm thiểu chi phí trung gian; chi phí trong việc tìm người chăm sóc phù hợp cho bệnh nhân khi đã xuất viện về nhà.

Nhóm học sinh lớp Tin trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam trao đổi về dự án

Theo báo Giáo dục và Thời đại