The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Hội thảo “Môi trường và Trách nhiệm của thế hệ trẻ”

Post by: myph | 12/12/2014 | 3751 reads

Trong chuỗi sự kiện đón mừng chuyến thăm của Ngài thị trưởng thành phố Amsterdam đến trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, sáng ngày 10/12/2014 vừa qua, tại hội trường 200 chỗ đã diễn ra buổi giao lưu giữa đại diện trường Barlaeus Gymnasium, tổ chức Fargreen và các bạn học sinh với chủ đề: “Môi trường và Trách nhiệm của thế hệ trẻ”. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí sôi nổi, các bạn học sinh có cơ hội gặp gỡ và lắng nghe các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực môi trường chia sẻ kinh nghiệm và từ đó tích lũy được những hiểu biết quý báu cho bản thân.

Mở đầu buổi hội thảo, các Amsers được gặp gỡ cô Trần Thị Khánh Trang – cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội – giám đốc điều hành và đồng sáng lập công ty khởi nghiệp Fargreen cùng Ngài Peter Lammers – đại diện trường Phổ thông Liên cấp Barlaeus Gymnasium. Fargreen là một doanh nghiệp xã hội có sứ mệnh giải quyết các vấn đề về môi trường liên quan đến tập quán canh tác, đồng thời xây dựng cộng đồng nông nghiệp bền vững và phát triển. Qua lời giới thiệu của ông Peter Lammers, các bạn học sinh biết đến cô Trang Trần – người đã đoạt giải nhì trong cuộc thi Postcode Lottery Green Challenge – một cuộc thi sáng chế những sản phẩm/dịch vụ thông minh, thân thiện với môi trường nhằm góp phần chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu vào năm 2007.

Từ khi được thành lập cho đến nay, doanh nghiệp Fargreen đã lắp đặt phòng thí nghiệm sản xuất đầu tiên ở Hải Dương, cho phép thúc đẩy công nghệ và phục vụ việc đào tạo kĩ năng trồng lúa cho nông dân. Châu Á vốn là nơi sản xuất lúa gạo nhiều nhất trên thế giới, với thông lệ đốt rơm gây ra hàng nghìn tấn khí thải nhà kính (GHG). Trước thực trạng đó, Fargreen hợp tác cùng các nông dân trồng lúa ở vùng nông thôn, giúp họ chuyển hướng việc thiêu hủy rơm rạ. Công nghệ của Fargreen sử dụng rơm như một chất nền để sản xuất nấm chất lượng cao. Nhờ vào quy trình này, Fargreen giúp dừng việc xuất ra chất khí thải nhà kính (GHG) và giúp người nông dân tăng thêm 50% thu nhập.

Doanh nghiệp xã hội về môi trường “Fargreen”

Các Amsers đều chăm chú lắng nghe cô Trang Trần chia sẻ kinh nghiệm bản thân

Sau đó, các bạn học sinh được xem một đoạn clip ngắn về tác hại của việc đốt rơm rạ đối với môi trường xung quanh. Ở nhiều nơi trên cả nước, bà con nông dân vẫn có tập quán đốt rơm rạ trên ruộng lúa trước khi đi vào vụ mới, nhất là vụ lúa tiếp theo vụ đông xuân. Việc đốt rơm sinh khói theo gió bay đi khắp nơi làm cho nhiều đô thị bị ảnh hưởng nặng. Trong khói đốt rơm rạ có nhiều hạt bụi nhỏ, bồ hóng muội than, khí CO, CO2, SO2, NO2…làm ô nhiễm không khí, gây tác hại lớn đối với sức khỏe con người. Không chỉ vậy, lửa từ các đống rơm rạ có thể gây cháy ruộng, cháy nhà, gây ra tai nạn giao thông. Thông qua đoạn clip, cô Trang Trần nhấn mạnh mục đích chính của doanh nghiệp là nhằm thiết lập một mạng lưới những người nông dân thu gom rơm rạ từ ruộng lúa của mình và giúp họ sản xuất nấm ăn chất lượng cao trong môi trường khép kín. Đây là một dự án có ý tưởng rất sáng tạo và hợp lý, góp phần to lớn trong việc bảo vệ môi trường.

Trong buổi giao lưu, cô Trang Trần đồng thời chia sẻ câu chuyện cuộc sống của mình trong những ngày đầu định cư ở thủ đô Amsterdam, Hà Lan. Một người con đất Việt xa nhà, đi du học nơi đất khách quê người không phải là điều dễ dàng gì. Song bằng niềm hi vọng và sự nỗ lực cố gắng không ngừng của bản thân, cô Trang Trần đã đạt được thành công trên con đường sự nghiệp của mình ở đất nước Hà Lan xinh đẹp ấy. Hà Lan – đất nước của hoa tulip và cối xay gió không chỉ thu hút khách du lịch mà còn là địa điểm hấp dẫn để sinh viên quốc tế đến học tập và sinh sống. Toàn thể hội trường 200 chỗ như lắng đọng lại để chăm chú nghe những tâm sự và chia sẻ hết sức chân thành của cô.

Ông Peter Lammers – đại diện trường Phổ thông Liên cấp Barlaeus Gymnasium khuyến khích các bạn học sinh thẳng thắn đặt ra câu hỏi trong buổi hội thảo. Đây là một cơ hội tốt để các học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam được giải đáp mọi thắc mắc và có định hướng cho bản thân về việc đi du học trong tương lai. Một bạn học sinh đưa ra câu hỏi: “Khi học đại học ở bên Hà Lan thì học sinh sẽ phải nói Tiếng Anh hay tiếng Hà Lan?” Ông Peter Lammers trả lời rằng: “Tất cả các trường đại học đều nói Tiếng Anh, tuy nhiên nếu bạn nói được tiếng Hà Lan thì càng tốt. Như vậy việc giao tiếp sẽ được dễ dàng hơn và bạn sẽ có cơ hội hiểu biết rõ hơn về văn hóa cũng như đất nước Hà Lan”. Bên cạnh đó, ông chia sẻ thêm ở Amsterdam có rất nhiều trường đại học tốt, cho phép học sinh có nhiều sự lựa chọn chuyên ngành yêu thích của mình. Ông có thể giúp đỡ học sinh Việt Nam nói chung và các bạn Amsers nói riêng trong việc tìm kiếm học bổng có lợi nhất cho mình.

Buổi giao lưu diễn ra trong không khí sôi nổi và thân thiện

Buổi hội thảo khép lại nhưng đã để lại cho các bạn học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam những kinh nghiệm vô cùng bổ ích và quý giá ; đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ ngày hôm nay về vấn đề bảo vệ môi trường. Trong thời đại mới, thế hệ trẻ phải có trách nhiệm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc bảo tồn, gìn giữ và cải thiện môi trường Việt Nam “xanh, sạch, đẹp”.

PV: Nhật Linh – Văn 1417

Ảnh: Ams Media