The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam vinh dự tiếp đón ngài thị trưởng Amsterdam cùng đoàn khách chính phủ Hà Lan

Post by: ngocnt | 11/12/2014 | 3927 reads

Vào ngày 10/12, Ngài thị trưởng thành phố Amsterdam đã có chuyến thăm tới ngôi trường Hà Nội – Amsterdam – “ngôi trường được xây dựng bằng tình hữu nghị giữa 2 quốc gia”. Chuyến viếng thăm có ý nghĩa quan trong, vừa hướng tới kỉ niệm 30 năm thành lập trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam, vừa là một cơ hội để tìm hiểu lại một lần nữa về lịch sử từ những ngày đầu thành lập trường.

Lễ chào mừng Ngài thị trưởng cùng đoàn khách chính phủ chính thức được bắt đầu với bài phát biểu của Hiệu trưởng nhà trường – nhà giáo Lê Thị Oanh.

 

Nhà giáo Lê Thị Oanh bày tỏ niềm vui sâu sắc: Hà Lan và Việt Nam là 2 nước có nhiều nét tương đồng, có mối quan hệ thủy chung, tốt đẹp trong lịch sử. Trong tương lai, nhất định quan hệ hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ và đi vào chiều sâu, để cùng nhau hướng tới một xã hội văn minh.  Trên con đường ấy, trường Hà Nội - Ams sẽ góp phần không nhỏ để thắp sáng và cháy bùng lên ngọn lửa nhiệt huyết của tình hữu nghị cho thế hệ trẻ, những người sẽ phát triển hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp này. Như vậy, chúng ta có đầy đủ lý do để tin tưởng rằng, cuộc gặp ngày hôm nay của Ngài Thị trưởng, sự có mặt của các đồng chí Lãnh đạo chính phủ Hà Lan và Việt Nam sẽ là khởi đầu mới của nhiều điều tốt đẹp đang đến với ngôi trường Hà Nội – Ams.”

Thị trưởng Amsterdam – Ngài Eberhard van der Laan (giữa) cùng bà Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nienke Trooster (bên trái) trong cuộc trao đổi, thảo luận và đề xuất hợp tác Giáo dục và Văn hóa giữa trường ta và trường Barleous Gymnasiem tại Amsterdam.

 

Ông Phạm Văn Đại, phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội chia sẻ đôi điều về lịch sử thành lập ngôi trường cũng như tình cảm giữa nhân dân hai nước Việt Nam – Hà Lan. (Nguồn: vtv)

 

Các vị đại biểu tham dự chương trình

 Đồng thời nhân chuyến thăm này, Đại sứ quán Hà Lan cùng nhà trường đã tổ chức buổi triển lãm ảnh “Anne Frank: Lịch sử cho ngày hôm nay”. Buổi triển lãm giới thiệu về về cuốn nhật ký của cô bé Anne Frank, nạn nhân của diệt chủng phát xít Đức đã cùng gia đình chạy trốn tới sống ở Amsterdam và qua đời khi mới chỉ 15 tuổi. Cái nhìn qua đôi mắt của cô bé chính là những góc khuất của những nạn nhân cũng như ước mơ về một thế giới bình đẳng dân tộc. Buổi triển lãm đã đem đến cho toàn thể học sinh và giáo viên nhà trường niềm xúc động và cái nhìn sâu sắc hơn về tình cảm của người dân Hà Lan, đồng thời là sự hiểu biết về một con người – một biểu tượng đặc biệt trong lịch sử. 

Mở đầu chương trình, thầy Phạm Văn Đại – nguyên hiệu trưởng nhà trường gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất tới toàn thể quan khách tham dự. Trong bài diễn văn, thầy đặc biệt nhấn mạnh đến tình đoàn kết hữu nghị sâu sắc giữa thủ đô Amsterdam (Hà Lan) và thủ đô Hà Nội (Việt Nam). Trong những năm tháng khó khăn sau khi chiến tranh kết thúc, nhân dân thủ đô Amsterdam đã quyên góp, giúp đỡ Hà Nội xây dựng một ngôi trường to đẹp và khang trang phục vụ cho công tác giáo dục trong thời kì đổi mới.

 Ngài thị trưởng bày tỏ: “Xét về mặt địa lý, Việt Nam và Hà Lan ở cách nhau khá xa, nhưng giữa hai đất nước, hai dân tộc chúng ta, lại có nhiều điểm kết nối chúng ta lại gần với nhau. Nhật ký Đặng Thùy Trâm giúp chúng ta thấu hiểu hơn những suy nghĩ và cảm xúc của một người thiếu nữ, vào thời điểm 1967 người thiếu nữ đó đã quyết định liều mạng sống của mình để cứu sống những người khác. Đặng Thùy Trâm và Anne Frank cho ta thấy tầm quan trọng của việc đưa ra những lựa chọn đúng đắn, và dạy cho ta hiểu ý nghĩa của việc được làm người”. 

 Đồng thời, Ngài thị trưởng đã trao giải thưởng cuộc thi “War Diaries: What we can learn today from Anne Frank and Dang Thuy Tram”. Trong cuộc thi tìm hiểu về hai cuốn nhật ký này, học sinh trường Hà Nội - Amsterdam đã viết về những thiệt thòi của một thế hệ sinh ra trong chiến tranh để đề cao sự hòa bình và gìn giữ hòa bình.

 Đoàn đại biểu cùng Ban lãnh đạo nhà trường cắt băng khai mạc triển lãm

 Nhà giáo Lê Thị Oanh trò chuyện cùng Ngài thị trưởng và bà Đại sứ

 Ngài thị trưởng trao giải thưởng cuộc thi cho các thí sinh thắng cuộc

 Thí sinh Nguyễn Tiến Thành – người đã đạt giải đặc biệt của cuộc thi chia sẻ: “Em viết những dòng cảm xúc, suy nghĩ của mình ngay sau khi đọc hai cuốn nhật ký. Bài viết của em đã bày tỏ sự ngưỡng mộ, mất mát và xúc động trước khát vọng sống của hai con người trẻ tuổi trong chiến tranh”.

Amsers bày tỏ sự hứng thú với buổi triển lãm

 Song song cùng buổi triễn lãm Anne Frank, cựu học sinh Chuyên Lý khóa 2011-2014 của trường, anh Phạm Minh Hiếu cũng đã có một buổi triển lãm với tên gọi “Ở đây và bây giờ”. Với chủ đề chính là thời gian, Phạm Minh Hiếu đã thực sự truyền tải được cho người xem cảm hứng nghệ thuật của mình, đó chính là sự kết hợp giữa nghệ thuật và vật lí,một sự kết hợp khá “ độc đáo” nhưng vô cùng sâu sắc và ý nghĩa.

 Đại diện trường Barlaeus Gymnasium, tổ chức Fargreen cùng thầy cô nhà trường trong một căn phòng của buổi triển lãm. (Anh Phạm Minh Hiếu ngoài cùng phía bên phải) (Nguồn: vtv)

  Sau đó, hai buổi hội thảo được diễn ra cùng một lúc đó là buổi hội thảo “Môi trường và trách nhiệm của thế hệ trẻ” tại hội trường 200 và buổi thảo luận sâu hơn về 2 nhân vật Anne Frank cùng Đặng Thùy Trâm tại lớp 12L2 nhà A.

 

 

Tham dự thảo luận về Anne Frank và Đặng Thùy Trâm, ngài thị trưởng Amsterdam chia sẻ: “Anne Frank là cô gái đặc biệt. Ở Hà Lan, trẻ em ai cũng biết Anne Frank và đọc nhật ký của cô.”

 Thầy Lê Thành Trung phát biểu về những bài học rút ra từ hai câu chuyện khác nhau nhưng đều được viết bởi những con người đã chống chọi với chiến tranh bằng khát vọng sống mãnh liệt và niềm tin yêu hòa bình.

 

 

Học sinh phát biểu cảm nghĩ về cuốn nhật ký Anne Frank và Đặng Thùy Trâm: “Ở đâu đó vẫn luôn le lói một ngọn lửa sức mạnh, một ngọn lửa soi sáng hòa bình và ngọn lửa đó đã, đang và mãi luôn truyền tải một thông điệp sâu sắc về khát vọng hòa bình.”

 Cũng trong chuyến thăm, trường Hà Nội Amsterdam và trường Barleous Gymnasiem (Hà Lan) đã tiến hành những hoạt động thiết thực trong hợp tác phát triển giáo dục, văn hóa như: trao đổi chương trình, sách giáo khoa, học liệu; tăng cường các chuyến tham quan lẫn nhau. Mở đầu buổi giao lưu, các bạn học sinh được gặp gỡ cô Trang Trần -  người sáng lập Fargreen – một doanh nghiệp xã hội làm việc để mang lại giải pháp xanh bền vững cho môi trường và tăng thu nhập cho các nông dân ở Việt Nam và trên thế giới. Các bạn học sinh được xem một đoạn clip ngắn về tác hại của rơm, khi người nông dân đốt sinh ra nhiều khói và Việt Nam là một trong 10 quốc gia chịu ảnh hưởng của vấn đề này. Giải pháp của Fargreen chính là dung rơm rạ đã qua sử dụng vào mục đích tốt đẹp hơn như trồng khoai tây sạch… Bên cạnh đó, cô cũng chia sẻ những kinh nghiệm của mình về cách lên các bước của một kế hoạch kinh doanh, tìm ra giải pháp cho một vấn đề. Buổi giao lưu diễn ra trong không khí sôi nối, các bạn học sinh đều có thể thoải mái đặt câu hỏi và phía đại diện trường Barlacus Gymnasium sẵn sàng giái đáp những thắc mắc đó.

 Đại diện trường Barleous Gymnasiem (Hà Lan) phát biểu về trách nhiệm của thế hệ trẻ với mội trường (Nguồn: Ams Media) 

Kết thúc buổi họp báo, Ngài thị trưởng nhận hoa và lời chúc từ các bạn học sinh

 Kết thúc chuyến thăm, xin chúc cho tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Hà Lan luôn bền vững và phát triển!

 

PV: Diệu Linh A1 (13-16) 

Hỗ trợ: Nhật Linh Văn 1417 - Quang Minh Sử 1417