The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô: Hà Nội, ngày đoàn hùng binh khải hoàn

Post by: webams | 10/10/2019 | 1664 reads

Cụ Trịnh Ngọc Tiến dừng xe, lặng ngắm cổng chào làm bằng cót trên phố Phùng Hưng. Chiếc cổng vừa được dựng lại như bức ảnh cụ chụp cách đây đúng 65 năm - ngày lịch sử giải phóng thủ đô...

 

Đó là ngày người Hà Nội hân hoan chào đón đoàn quân khải hoàn về thủ đô nước Việt. Đoàn hùng binh đã anh dũng chiến đấu và chấm dứt cuộc cai trị thế kỷ của người Pháp trên mảnh đất này.

Những cổng chào ái quốc

Cụ Trịnh Ngọc Tiến tay run run nâng tập ảnh đen trắng do chính mình chụp cách đây đúng 65 năm trước. Bức ảnh về chiếc cổng chào ở phố Hàng Khay. Cổng được làm bằng khung tre, ngoài bọc mành, hai bên dán dòng chữ "Nhiệt liệt hoan nghênh Quân đội nhân dân Việt Nam anh dũng chiến đấu giải phóng Tổ quốc".

Xúc động nhớ lại mùa thu lịch sử năm 1954 ấy, cụ Tiến kể thời tiết cũng hanh hao như mấy ngày này. Đất trời hơi khô, hơi lạnh và nắng thì nhuộm vàng các con phố xao xác lá thu bay. Sáng sớm 10-10, một cơn mưa rào bất chợt vụt qua khiến trời thu Hà Nội trong vắt và xanh thăm thẳm sau đó. 

"Người Hà Nội bảo đó là cơn mưa rửa sạch nô lệ. Hết Tàu lại đến Tây. Kể từ đây người Hà Nội không còn sống trong cảnh bị áp bức nữa" - cụ Tiến rưng rưng kể.

Hồi tưởng kỷ niệm hào hùng, cụ Trịnh Ngọc Tiến là một trong ít người chụp ảnh ngày lịch sử - ngày giải phóng thủ đô năm ấy. 65 năm trôi qua, những người may mắn được cầm máy ghi lại thời khắc lịch sử của đất nước nay chỉ còn vài người. 

Cụ Tiến và cụ Lê Sửu, hai người đang ở phố cổ Hàng Bồ và Hàng Đào, Hà Nội. Cả hai cụ đều là những "nghệ sĩ nhiếp ảnh bất đắc dĩ", chụp ảnh vì đam mê và trải qua thời cuộc khó quên của Tổ quốc.

Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô: Hà Nội, ngày đoàn hùng binh khải hoàn - Ảnh 3.

Cụ Tiến và những bức ảnh lịch sử 

 Tâm sự chuyện xưa, cụ Tiến kể năm 1954 ấy mình vừa 16 tuổi, là cậu ấm của "ông hoàng thủy tinh xứ Đông Dương Trịnh Đình Kính". Ngày ấy chỉ những người thực sự nhiều tiền mới dám mua máy ảnh. 

Chiếc máy đầu tiên của cụ Tiến là chiếc máy Rolleicord 66 đổi bằng 3 lượng vàng. Mỗi cuốn phim chỉ chụp được 12 kiểu ảnh. Cụ không nhớ chính xác trị giá mỗi cuốn phim mà chỉ ước chừng khoảng 50 bát phở ngon phố cổ.

"Không hiểu sao thuở ấy tôi cứ thích chụp cổng chào. Tôi nhớ Hà Nội ngày ấy làm khoảng15 cổng chào. Người dân mỗi phố nghề đều háo hức làm cổng chào riêng bằng vật liệu sẵn có của phố mình. Cổng chào Hàng Khay làm bằng mành, Hàng Cót làm bằng cót, Hàng Thiếc làm bằng tôn, Hàng Bông làm bằng bông...".

Người nghệ sĩ già Trịnh Ngọc Tiến đến giờ đã có hàng nghìn bức ảnh, hàng chục chiếc máy đủ loại từ những chiếc máy phim cổ điển đến những chiếc máy kỹ thuật số hiện đại. Điều mà cụ nuối tiếc nhất là không thể giữ được trọn vẹn những bức ảnh về thủ đô ngày giải phóng sau bao thời cuộc thăng trầm.

Cụ Tiến vẫn nhớ buổi ấy mình chụp được 16 kiểu, nhưng đến giờ chỉ còn giữ được 4 kiểu. Năm tháng chiến tranh khốc liệt, chạy tránh bom đạn, rồi kinh tế khó khăn, cụ Tiến không có điều kiện tráng phim để gìn giữ cẩn thận. Những trận mưa bão, lụt lội ở Hà Nội đã làm hỏng nhiều tấm phim vô cùng quý giá mà đến giờ nhắc lại cụ vẫn tiếc đứt ruột.

Cũng như những chứng nhân lịch sử khác, đối với cụ Tiến, những chiếc cổng chào ngày đoàn binh hát khúc khải hoàn đã nói lên tâm tư, ước nguyện của người Hà Nội hướng về Tổ quốc. Non sông độc lập, sống đời tự do, nhân dân hân hoan, tự hào và đầy nồng nhiệt.

Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô: Hà Nội, ngày đoàn hùng binh khải hoàn - Ảnh 4.

Những người lính trẻ được hân hoan chào đón

Cờ sao đỏ rực thủ đô

Cụ Tiến nhớ như in hình ảnh chiếc xe tăng cuối cùng của quân đội Pháp rời Hà Nội qua cầu Long Biên trước ngày giải phóng: "Xe tăng rút ra đến đâu, cờ đỏ sao vàng "mọc" ra đến đó. Nhà nào cũng chuẩn bị sẵn cờ Tổ quốc để chờ ngày giải phóng". 

"Người dân phố Hàng Vải thức trắng đêm may cờ. Nhà nhà làm sẵn cán cờ để trên tầng 2, chỉ chờ xe đi qua là treo ra bancông. Tiếc là ngày vô cùng đặc biệt ấy, tôi lại không có máy quay phim để ghi lại khoảnh khắc lịch sử của phố phường thủ đô" - cụ Tiến bồi hồi xúc động.

Tâm sự với thế hệ con cháu may mắn được sống trong đất nước thời bình, dòng ký ức của người nghệ sĩ già cứ ào ạt chảy về. Những cánh quân rầm rập tiến vào thủ đô trong niềm hân hoan không ngớt. 

"Bộ đội ta vào thủ đô từ 5 cửa ô. Tôi nhớ cánh quân đông nhất đi từ Bạch Mai, qua phố Huế, Hàng Bài, qua hồ Gươm rồi về Cột Cờ. Ngày ấy, Cột Cờ Hà Nội chính là Đài phát thanh Con Én của Pháp. Bộ đội đi đến đâu, dân chạy ra vỗ tay, cầm cờ vẫy, reo mừng đến đó".

Lấy ngón tay chậm nước mắt xúc động, cụ Tiến kể tiếp: "Nhiều đồng bào gạt nước mắt trong niềm vui sướng, chạy ra ôm chầm lấy những người lính trở về. Có người vui vì đã gặp được người thân, nhưng cũng có những người đầy nước mắt vì người thân của họ không còn về nữa. Bộ đội cũng không được về nhà ngay mà tập kết ở sân Cột Cờ".

Hòa cùng đồng bào Hà Nội tiến về khu vực đoàn quân khải hoàn, cụ Tiến lúc ấy còn là cậu trai trẻ 16 tuổi, đeo máy ảnh, đi theo đoàn quân. Cậu láu lỉnh giơ cao máy ảnh, hòa vào nhóm những phóng viên quốc tế cũng đang háo hức tác nghiệp ngày tiếp quản thủ đô, để được dự lễ chào cờ. 

Máy ảnh lóe lên liên tiếp. Người chụp ảnh mà mắt cứ nhòe đi vì quá xúc động trong thời khắc Tổ quốc sang trang.

Trước hôm giải phóng, quân Pháp đã làm lễ hạ cờ. Chiều 10-10, trong tiếng quân nhạc, cờ đỏ sao vàng được kéo lên. Tướng Vương Thừa Vũ và ông Trần Duy Hưng trực tiếp duyệt đại quân. 

"Tôi đứng trong hàng, tim đập thình thịch vì xúc động. Sau bao nhiêu năm, lần đầu tiên được sống trong độc lập, tự do hoàn toàn đến vậy" - cụ Tiến rưng rưng kể.

Ngoài cụ Tiến, một người bạn khác là nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Sửu cũng chụp được những bức ảnh lịch sử, trong đó có ảnh một cậu bé chính là em trai mình cầm cờ Tổ quốc vẫy chào đoàn quân trở về. 

Cụ Lê Sửu khi ấy là một thanh niên 17 tuổi, con của nhà tư sản ở phố Hàng Đào. Ngày giải phóng thủ đô, cụ Sửu xuống đường, cầm máy ảnh hòa vào dòng người náo nức đón chiến sĩ khải hoàn.

Kỷ niệm 65 năm ngày giải phóng Thủ đô: Hà Nội, ngày đoàn hùng binh khải hoàn - Ảnh 5.

Người dân ngoại thành Hà Nội trong ngày giải phóng thủ đô 

Cậu bé vẫy cờ trở thành liệt sĩ

Sáng thu ấy, em trai cụ Sửu là Lê Bảo Tháp mới 7 tuổi, đứng dưới lòng đường vẫy chào đoàn quân. Cụ Sửu bấm máy ghi lại khoảnh khắc hồn nhiên mà lịch sử. 14 năm sau, tiếp bước cha anh, Lê Bảo Tháp lại xung phong đi bộ đội. Trung sĩ Lê Bảo Tháp đã ngã xuống ở chiến trường Quảng Trị.

Cụ Sửu không ngờ rằng bức ảnh cậu bé Lê Bảo Tháp vẫy cờ trước cửa ngôi nhà số 80 phố Hàng Đào - nhà cụ Sửu - lại chính là khoảnh khắc lịch sử của gia đình mình và của Hà Nội ngày đặc biệt 10-10-1954. 

Về sau, chiến tranh và thời cuộc thăng trầm khiến cụ Lê Sửu không còn cầm máy nữa. Những bức ảnh ngày trước cũng không còn nhiều. Kỷ niệm duy nhất và giá trị nhất của cụ chính là bức ảnh cậu bé Lê Bảo Tháp trong ngày giải phóng thủ đô mà chỉ ít năm sau đã là liệt sĩ ngã xuống ở tuyến lửa Quảng Trị.

Góp tâm sự của chồng, bà Hoàng Lan - vợ cụ Sửu - nhớ lại thực ra người Hà Nội đã biết sẽ được giải phóng từ khi nhận tin chiến thắng Điện Biên Phủ (tháng 5-1954). Nhà nhà đều âm thầm chuẩn bị cho ngày đón đoàn quân khải hoàn.

Đêm nào bà Lan cũng chong đèn cùng mẹ dán giấy màu, làm những dây xích ngũ sắc để trang trí cửa nhà. Dù khi ấy lính Pháp vẫn còn, nhưng người dân Hà Nội cứ âm thầm chuẩn bị mừng chiến thắng. Nhà nào cũng sáng đèn đến khuya. Nhà may cờ, nhà cắt chữ, nhà làm hoa... chuẩn bị vui ngày khải hoàn.

"Hồi ấy tôi 12 tuổi, phải kê ghế mới treo được lá cờ và những dây xích ngũ sắc lên mái hiên. Vui lắm! Chỉ nghe nói giải phóng rồi, Tây sẽ đi, Việt Minh sẽ về Hà Nội là chúng tôi mừng vui. Bao nhiêu năm mất tự do, đến ngày ấy mới chính thức được độc lập, chủ quyền..." - bà Lan tâm sự.

Cô bé Hà Nội ngày ấy về sau phải lòng anh nghệ sĩ nghiệp dư Lê Sửu ở bên nhà. Kỷ niệm họ trân trọng nhất chính là bức ảnh chồng bà chụp trong ngày thủ đô giải phóng, ngày lịch sử của Hà Nội và của Tổ quốc.

Theo Tuổi Trẻ