The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phong vị người Tràng An trong mâm cơm ngày Tết

Post by: webams | 17/02/2018 | 5160 reads

Người Hà Nội nổi tiếng với nếp sống giản dị, mộc mạc mà rất đỗi thanh lịch. Sự tinh tế và thanh lịch của người Tràng An càng được thể hiện rõ nét qua văn hóa ẩm thực lâu đời đất Kinh kì. Trong đó, mâm cơm Tết lại càng được các chị, các mẹ trong gia đình Hà Thành chăm chút tỉ mỉ để dâng lên ông bà tổ tiên cũng như cùng gia đình sum vầy đón xuân mới. Mỗi món ăn trên mâm cỗ Tết của người Hà Nội đều mang hương  vị riêng, gửi gắm những ý nghĩa đặc biệt, để lại trong lòng người những dư vị khó quên.

Xưa kia bữa cơm thường nhật của người Hà Nội luôn có dăm bảy các món chính chưa kể đến các món ăn “mùa nào thức ấy” như cà pháo, cà bát, dưa cải chua,… Các món ăn trên mâm cơm người Tràng An vốn thuận theo thiên nhiên, theo mùa, theo thời tiết từ những nguyên liệu tươi rói, những thức quà quen thuộc của đất Kinh kì để làm nên một bữa cơm ngon miệng cho các thành viên trong gia đình. Bằng tất cả sự khéo léo và tinh tế của bàn tay người phụ nữ Hà Thành, mâm cỗ Tết tươm tất không chỉ là dịp để gia đình quây quần thưởng thức những món ăn ngon mà còn thể hiện mong ước của gia chủ về một năm mới hạnh phúc, ấm no. Theo truyền thông người Hà Nội luôn đòi hỏi phải có 4 bát, 8 đĩa cùng những món ăn đặc trưng trong mâm cỗ ngày xuân mới. Những món ăn truyền thống như bánh chưng xanh, con gà luộc, xôi gấc… vốn là những món quen thuộc không thể thiếu trên mâm cơm cúng Tết. Bên cạnh đó, không thể không kể đến bát dưa hành, đĩa thịt đông, đĩa nem rán, bát canh bóng, canh măng tạo nên sự phong phú về hương vị cho người thưởng thức.

Thông thường, người Hà Nội rất cầu kì trong khâu chế biến bởi để làm nên một mâm cơm thịnh soạn cho dịp trọng đại hằng năm đòi hỏi ở người làm bếp bàn tay tinh tế và khéo léo. Điều này thể hiện ở cả những chi tiết nhỏ nhất như làm sao để luộc con gà sao cho có màu vàng óng, đẹp đẽ hay phải làm sao cho bánh chưng khi luộc xong có màu xanh mượt đẹp mắt. Đó đều là những kinh nghiệm quý báu được đúc kết bao đời nay của người Tràng An. Với thời tiết Hà Nội những ngày giáp Tết thường lạnh vậy nên mâm cỗ Tết, người nội trợ thương chuẩn bị những món ăn đặc biệt phù hợp như giò xào hay thịt nấu đông,… Theo quan niệm của người Việt thì màu đỏ là biểu trưng cho sự ấm no, hạnh phúc bởi vậy mà đĩa xôi trên mâm cỗ Tết thường là xôi gấc bởi hương vị đặc biết cũng như màu sắc đẹp mắt của xôi gấc. Với người Tràng An, mâm cơm Tết không đơn thuần là ăn mà đó còn chứa đựng những ý nghĩa sâu sắc về tín ngưỡng, về văn hóa truyền thống đất Thủ đô. Con gà trống thiến trên mâm cỗ mang ý nghĩa về sự no đủ, về một khởi đầu mới với nhiều may mắn bởi tiếng gáy của con gà trống là biểu trưng cho khởi đầu của một ngày mới, một năm mới với tràn trề hi vọng. Người Việt ta có tục lệ kiêng sát sinh vào ngày mùng 1 Tết và năm mới bởi lẽ vậy mà tất cả các món ăn đều phải được chuẩn bị tươm tất từ trước đó, chiều 30 Tết. Từ khâu chế biến cho đến khâu bày trí đĩa ăn đều được các bà, các mẹ khéo léo chuẩn bị sao cho mâm cỗ vừa ngon mắt, vừa thể hiện lòng thành kính của gia chủ khi dâng mâm cơm cúng Tết lên tổ tiên. Việc bày biện các món ăn trên mâm cúng cũng được chú trọng bởi người nội trợ phải chuẩn bị sao cho các món ăn hài hòa cũng như phù hợp với truyền thống để rước tài lộc về nhà trong dịp đầu năm.

Người Việt ta vẫn quen gọi là “ăn Tết” chứ chẳng phải “chơi Tết” hay “thưởng Tết” bởi ẩm thực có vai trò đặc biệt quan trọng trong cuộc sống của người Việt đặc biệt là vào những dịp lễ tết.. Với người Hà Nội thì ẩm thực đó là con người mang theo sự tinh tế, thanh lịch cả trong nếp sống cho đến nếp ăn. Tết vừa là dịp để gia đinh quây quần, sum họp sau một năm dài với biết bao bộn bề. Được ngồi cùng những người mình yêu thương thưởng thức những món ăn chỉ có tròng dịp tết có lẽ là niềm ao ước, mong chờ của những người phải thường xuyên xa gia đình. Mâm cỗ Tết của người Hà Nội không chỉ đơn thuần là thưởng thức những món ăn ngon mà trước hết đó là sự thành kính, biết ơn của con cháu dâng lên gia tiên, những người đã khuất. Đó là truyền thống đẹp đẽ Uống nước nhớ nguồn vốn đã khắc sâu trong tâm khảm của người Việt nói chung và người Tràng An nói riêng.

Văn hóa ấm thực của người Tràng An xưa nay đã đạt tới độ tinh tế, hội tụ tinh hoa của cả ngàn năm văn hiến, lắng đọng để tạo nên một phong vị Tràng An thanh lịch rất riêng:

“Chẳng thơm cũng thể hoa nhài,

Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An.”

Đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, mâm cỗ Tết tinh tươm, hoàn hảo của người Hà Thành là sự hội tụ hài hòa của nét truyền thống lâu đời của văn hóa ngàn năm văn hiến đất Kinh kì, sự khéo léo, tinh tế, bàn tay tài hoa của những người phụ nữ Hà Nội. Bởi lẽ đó mà dịp được cùng nhau ngồi bên mâm cơm ngày Tết, thưởng thức những món ăn ngon chỉ có riêng trong dịp đặc biệt như thế này để cùng cầu chúc cho một năm mới đến mang theo theo thật nhiều niềm hạnh phúc, ấm no không chỉ là mong ước của biết bao những người con Hà Nội mà còn là của tất cả những người Việt Nam trong dịp Tết đến xuân về.

PV: Lê Trí Nghĩa - Văn 1720