The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Phỏng vấn cô Lê Thị Oanh - Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Hà Nội- Amsterdam

Post by: admin | 29/11/2011 | 7094 reads

- Cô đánh giá thế nào về chất lượng giáo dục của trường ta hiện nay? Có những thành tựu nào đã đạt được và những điều gì  cần khắc phục ?

Chất lượng giáo dục được thể hiện ở những thành tựu của giáo viên và học sinh trường Hà Nội – Amsterdam. Điều đó không thể kể hết bằng lời và đã được xã hội ghi nhận qua nhiều giải thưởng trong các kì thi của giáo viên cũng như các em học sinh ở tất cả các cấp, từ cấp quận cho đến cấp quốc gia và quốc tế bao gồm cả các kì thi vào các trường đại học không chỉ ở Việt Nam mà còn ở quốc tế. Những thành tựu đó được tạo dựng từ sự trang bị kiến thức của các thầy cô giáo. Và để đạt được những thành tựu vẻ vang đó, trong 26 năm qua nhà trường đã có đường hướng giáo dục toàn diện đúng hướng và phù hợp với xu thế phát triển trong từng thời kỳ của Thủ đô Hà Nội nói riêng và xã hội Việt Nam nói chung.

Đường hướng giáo dục đó phải đặc biệt phù hợp với các em học sinh của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Đó là những học sinh xếp trong top đầu của Hà Nội. Điểm đặc trưng của học sinh trường Hà Nội Amsterdam là các em luôn có khát vọng cống hiến và không ngừng sáng tạo. Người thầy ở đây, vì thế, không chỉ truyền thụ mà còn phải luôn khắc sâu kiến thức trong các chuyên đề giảng dạy cũng như trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp để khuyến khích các em phát huy hết tiềm lực và khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân. Đường hướng giảng dạy này giống như hình Kim Tự Tháp, trong đó hoạt động của thầy trở thành vai trò của người hướng dẫn và tư vấn, được cô đọng như đỉnh Kim Thự Tháp và khả năng làm việc, sức sáng tạo của học sinh lớn dần như đáy lớn của Kim Tự Tháp đó.

Ngoài việc khuyến khích học sinh thể hiện trí tuệ thì các thầy cô, đặc biệt các thầy cô giáo chủ nhiệm còn chuẩn bị cho các em hành trang bước vào cuộc sống, trang bị cho các em một khối tri thức xã hội sâu và rộng mà trong giáo dục gọi tên là  “kỹ năng mềm” – đó chính là sự hòa quyện của trí tuệ và cảm xúc, là khả năng “suy tưởng cao” và “mẫn cảm cao” giúp các em sẵn sàng với những thay đổi trong cuộc sống, tận dụng được những cơ hội trong cuộc đời, giúp các em đồng cảm, thấu hiểu được mọi điều tế nhị trong giao tiếp, tìm được niềm vui trong mình và khơi dậy niềm vui trong người khác, tìm được ý nghĩa của cuộc đời để đưa các em tới thành công, đến với những mục đích tốt đẹp của cuộc đời.  Con đường tìm ra những kỹ năng cơ bản và cần thiết nhất làm chủ đề dạy đức dục chính cho các năm học phù hợp với tâm, sinh lý lứa tuổi, phù hợp dần với sự trưởng thành của từng khối lớp (như kĩ năng làm việc nhóm, kĩ năng lắng nghe để giao tiếp hiệu quả, kỹ năng chia sẻ, kỹ năng lập kế hoạch cá nhân, quản lý thời gian, quản lý tài chính…...).

Phải chăng vì thế mà các em vẫn gọi trường của chúng ta là “Ngôi nhà Hà Nội – Amsterdam” nơi các em hào hứng đến khi bắt đầu một ngày mới, điểm trở về của các thế hệ học sinh đã ra trường? 25 năm làm việc ở trường, cô luôn tự hào vì hệ “tinh thần và tư tưởng” của trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam luôn được kế thừa và phát huy, mà vẫn giữ được nét gì rất riêng, rất đặc trưng mà các em thường hay gọi là “AMSER”. Cô vẫn thường hay nói với các thế hệ học sinh đã ra trường là “Hãy truyền ngọn lửa đam mê và ham học hỏi, ngọn lửa của tinh thần và tư tưởng trường Hà Nội – Amsterdam cho các thế hệ sau, hãy làm cho những giá trị cốt lõi trở thành niềm tự hào của chúng ta, trở nên trường tồn với thời gian ”.

Cùng với thành tựu đã đạt được, nhà trường vẫn phải tích cực và nỗ lực để không ngừng đổi mới. Những yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế về một thế hệ “công dân toàn cầu” mang bản sắc văn hóa con người Việt Nam, có kỹ năng làm việc trong môi trường quốc tế đang là một thách thức không nhỏ đối với nhà trường. Thêm vào đó, niềm tin yêu của Hà Nội, khát vọng của các thế hệ cha mẹ học sinh thủ đô về sản phẩm giáo dục vừa truyền thống vừa hiện đại cũng luôn đòi hỏi nhà trường phải có những chiến lược phát triển mạnh mẽ hơn. Đam mê học hỏi, mong muốn được thực hiện những ý tưởng sáng tạo của các em cũng là những vấn đề mà nhà trường luôn nghĩ tới!

 - Sự học vốn gắn liền với cuộc đời mỗi con người nhưng nhiều bạn học sinh ngày nay nghĩ rằng việc học tập chỉ gói gọn trong một thời học sinh. Cô nghĩ gì về quan điểm này?

Cô không nghĩ quan niệm đó có ở trường Hà Nội – Amsterdam.  Không chỉ truyền đạt cho các em tri thức mà còn khiến cho các em say mê học tập chính là thành công của nhà trường. Đam mê học tập và ham học hỏi sẽ thúc đẩy các em đào sâu kiến thức và tạo động lực cho bản thân. Khi ham mê học hỏi, các em thấy rằng việc học không phải là chỉ trong nhà trường, không chỉ học ở lớp mà còn học rất nhiều khi tham gia các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc biệt khi các hoạt động đó có ý nghĩa cho toàn xã hội. Các em đang giúp đỡ trẻ em lang thang cơ nhỡ, giúp các em bé có khiếm khuyết trong bệnh viện nhi Trung Ương, thăm hỏi người già cô đơn, trợ giúp các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, tật nguyền …. Khi làm các công việc đó các em không chỉ thấu hiểu được niềm vui của chia sẻ và được chia sẻ mà các em còn nhận rõ giá trị của tình thương, trách nhiệm. Các em còn cảm nhận và học được khát vọng sống và vươn lên mãnh liệt của các em nhỏ ở đó.  Bởi vậy công việc của người thầy là thắp sáng và giữ ngọn lửa đam mê trong các em, thúc đẩy các em dám ước mơ và đạt mục tiêu để thực hiện ước mơ đó. Học mọi nơi, mọi lúc, học suốt cuộc đời chính là phương châm giáo dục của nhà trường. Việc học của mỗi thầy, cô giáo vì thế cũng trở nên suốt đời vì có như vậy thầy cô mới có thể dạy và định hướng các em, hiểu được tâm tư và nguyện vọng của các em.

- Cô có đồng tình với suy nghĩ rằng vào Đại học mới là con đường duy nhất dẫn các bạn học sinh đến mọi thành công không ạ? Theo cô những yếu tố nào mới làm nên thành công lớn nhất của một con người?

Học đại học hay cao đẳng, hay chọn ngành nghề nào là do chính bản thân các em quyết định. Nhà trường rất chú trọng vào việc giúp các em hiểu được bản thân, hiểu được năng lực, nguyện vọng và ước mơ để đặt mục tiêu cho mình. Với học sinh lớp 11 và 12, bằng các hoạt động ngoài giờ lên lớp, nhà trường giúp các em kết nối với các trường đại học, cao đẳng, các tổ chức xã hội nhằm định hướng khu vực nghề nghiệp phù hợp với các em, làm cho các em có thể phát huy khả năng và thành công.

Đỗ vào các trường Đại Học hàng đầu của Việt Nam được hiểu như một lẽ đương nhiên của các học sinh của trường Hà Nội – Amsterdam. Tuy nhiên, học sinh của trường Hà Nội – Amsterdam có yêu cầu rất cao không chỉ khu vực các trường đại học Việt Nam mà còn là các trường đại học quốc tế tại Việt Nam và nước ngoài. Giúp các em lựa chọn trường và khu vực nghề phù hợp là đạo đức và lương tâm nghề của các thầy cô giáo trong nhà trường. Công việc đó của thầy cô giáo cũng giống như cùng các em vẽ lên một tấm bản đồ và cùng các em chọn điểm đến. Bản đồ càng chi tiết và điểm đến càng rõ ràng thì con đường đến thành công của các em sẽ là ngắn nhất và vì thế, thời gian các em cống hiến cho đất nước cũng nhiều và giá trị hơn. Ví như các cựu học sinh của trường nay đã trưởng thành và có nhiều cống hiến cho đất nước trên các lĩnh vực khác nhau. Cựu học sinh chuyên toán Phan Phương Đạt từng đoạt Huy chương Bạc Toán quốc tế tại Australia năm 1988 nay là Phó Tổng giám đốc Công ty phần mềm FPT, cựu học sinh chuyên Tin học Nguyễn Trung Dũng nay là Tổng giám đốc Công ty Đầu tư và phát triển Bách Khoa, cựu học sinh chuyên Lý Phan Đức Trung hiện là Phó Chủ tịch ngân hàng Tiên Phong Bank, cựu học sinh chuyên Toán Lê Hoài Nam hiện là Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Tái Bảo hiểm quốc gia Việt Nam, cựu học sinh chuyên Nga Nguyễn Thu Thủy đã khởi xướng và tổng đạo diễn thành công dự án Con đường Gốm sứ ven sông Hồng - công trình kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, công trình đã lập Kỷ lục Guinness Thế giới….. và rất nhiều những học sinh khác của nhà trường.

Như vậy, việc định hướng nghề cho các em,  hướng đến mục tiêu các em cần đạt phải là một sự tổng hòa các quyết định, trong đó quyết định của chính bản thân các em là quan trọng nhất, quyết định của gia đình và những lời khuyên và định hướng của thầy cô là nền tảng đưa các em một quyết định đúng đắn. Bên cạnh đó, lời khuyên và kinh nghiệm của các cựu học sinh của trường có ý nghĩa rất lớn đối với các em. Cô tự hào thấy các em học sinh trường Hà Nội Amsterdam đã đặt mục tiêu rất rõ ràng và lập kế hoạch rất cụ thể cho việc học của mình từ bậc học phổ thông, các em đã có quyết định đúng và lựa chọn cho mình những trường ĐH phù hợp giúp các em thành công trong kỷ nguyên cạnh tranh trí tuệ mang tính toàn cầu.

- Với nhiều năm đứng trên bục giảng, cô quan niệm thế nào về sự nghiệp trồng người ?

Ở vị trí một người giáo viên đứng lớp, hay nhận nhiệm vụ của một lãnh đạo nhà trường, cô đều thấu hiểu rằng người thầy giáo luôn có vai trò vĩ đại trong cuộc đời mỗi con người. Việc nuôi dạy con cái trưởng thành đôi khi được hiểu như một thiên chức tự nhiên của bậc làm cha, làm mẹ nhưng sự kỳ diệu của thắp sáng tri thức và gìn giữ ngọn lửa đam mê, ham học hỏi trong mỗi con người lại được cảm nhận từ những người thầy, cô giáo của mình.  Không có một vị trí nào có thể thay thế cho vị trí của người thầy trong cuộc đời của chúng ta. Cô không có đủ trí tưởng tượng để hình dung ra một thế giới không có thầy, cô giáo! Một điều rất thú vị cô nhận ra rằng những gì đọng lại trong mỗi người là những ký ức về người thầy, người cô giáo của mình, có thể tốt và chưa tốt nhưng đều rất sâu sắc.

Dịp 20/11 vừa rồi, cô mở cửa đón khách, trong số khách là học sinh cũ của cô, có một gia đình và 2 con (Các cháu gọi cô bằng Bà!) Cô còn chưa kịp nhận ra học trò của mình từ những năm 1992 (Em Lê Cường – Khóa 1992-1995) thì câu hỏi đầu tiên của anh sau lời chào là: “Cô ơi bây giờ cô đã khỏi xoang chưa ạ?” Cô ngạc nhiên vì sao người trò đó có thể nhớ đến vậy một chi tiết chẳng có gì quan trọng lắm. Em học sinh đó gợi nhớ cho cô rằng: “Ngày trước mỗi lần cô lên lớp giảng bài, chúng em luôn bảo nhau cố gắng không mất trật tự vì cô bị tịt mũi và cô không thể nói được to!”. Thế đấy, điều tưởng như giản đơn ấy đã làm cho cô xúc động và cô chợt nhận ra rằng những cử chỉ dù rất nhỏ của người Thầy đều ảnh hưởng và để lại những hình ảnh không thể phai nhòa trong ký ức mỗi học sinh. Và nữa, ảnh hưởng đó có thể sẽ tác động sâu sắc đến trí tuệ và hành vi của mỗi con người khi lớn lên.

- Gắn bó với mái trường Hà Nội – Amsterdam từ những ngày đầu thành lập, chắc hẳn cô đã có rất nhiều kỉ niệm đáng nhớ. Cô có thể chia sẻ một khoảnh khắc ấn tượng nhất với cô trong suốt những năm tháng giảng dạy tại ngôi trường thân yêu này được không ạ ?

Mỗi kỷ niệm đều mang những sắc mầu và vẻ đặc biệt riêng, buồn có, vui có và cả giận dữ nữa nhưng đều để lại cho cô những kinh nghiệm và ấn tượng sâu sắc.

- Tinh thần đoàn kết, sự thông minh và sáng tạo đã tạo nên một phong cách rất riêng, đậm chất Amser. Theo cô, điều này có ý nghĩa như thế nào đối với nhà trường và các thế hệ học sinh sau này ?

Đặc trưng của học sinh Hà Nội – Amsterdam là năng động, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn và sẵn sàng ứng phó với mọi thay đổi. Các em lại sôi nổi, nhiệt tình, ham học hỏi, cống hiến hết mình nhưng cũng rất độc lập và tự chủ trong suy nghĩ. Cô có “ghê” không? Câu trả lời là “Có” Vậy mà các em luôn thuyết phục được Ban giám hiệu Nhà trường và Hội đồng giáo dục trong đó có Cô cùng tham gia vào việc thực hiện các ý tưởng sáng tạo của các em!

Liệu đó có phải là “bản sắc” của học sinh trường Hà Nội – Amsterdam không? Các em tìm câu trả lời nhé!

- Cô có cảm nhận thấy sự khác biệt giữa các thế hệ học sinh trường Hà Nội – Amsterdam trước đây và bây giờ không ạ ?

Khó có thể cưỡng lại được những biến đổi do thời gian mang lại. Sự sắp xếp vĩ đại của tự nhiên cũng sẽ mang lại nhiều những nét khác biệt của các thế hệ học sinh của trường. Từ việc “Nghe lời thầy cô” đến mạnh bạo “chia sẻ”, “phản biện” với thầy cô giáo để bảo vệ quan điểm, chính kiến của bản thân cũng có thể là sự khác biệt, cùng thời gian, nó trở nên muôn hình vẻ. Nhưng có một giá trị trường tồn, không thay đổi theo năm tháng, dù qua trải qua nhiều thế hệ, lại được chính các em tạo nên mà Cô gọi là “Tinh thần và tư tưởng Hà Nội – Amsterdam” – Đó là sự liên kết chặt chẽ không thể chia cắt của các thế hệ học sinh trong “ngôi nhà Hà Nội – Amsterdam”. Là hệ quả chăng khi ở thế hệ nào, các em cũng đã luôn được dạy về lòng tự tôn dân tộc - những khuôn khổ và giá trị tạo dựng nét đặc trưng của các em dù các em ở nơi nào trên thế giới; có thể các em đã trưởng thành hơn để hiểu rõ thế giới của chúng ta đang chuyển sang giá trị của sự kết nối và cộng tác và vì thế các em dù ở thế hệ nào, dù đang học tập nơi nào trên thế giới nhưng sự liên kết chặt chẽ giữa những cá thể tách bạch luôn tồn tại và bởi vậy các em đã cộng tác với nhau một cách dễ dàng để thích ứng trong mọi hoàn cảnh. Phải chăng ảnh hưởng của những hoạt động ngoài giờ lên lớp đã có giá trị như môn học giao tiếp trong nhà trường để các thế hệ học trò các em luôn giao tiếp một cách thân mật và tình cảm, thứ không thể “tự động hóa” cho dù xã hội có biến đổi và thời gian có trôi đi.

- Những ngày gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng đều đưa tin về “bài văn lạ” của bạn Nguyễn Trung Hiếu lớp 11 Lý. Trên cương vị Phó hiệu trưởng nhà trường Cô có thể chia sẻ những cảm nhận riêng của Cô về hoàn cảnh của bạn Hiếu được không ạ ?

Một điều cô chắc rắng hoàn cảnh của em Hiếu đã được biết đến và được cả trường chia sẻ từ những ngày em ấy đỗ vào trường Hà Nội – Amsterdam từ THCS Giảng Võ. Tất cả những việc mà nhà trường trợ giúp cho em Hiếu đều trên tinh thần tôn trọng, tránh làm tổn thương bằng bất kì hình thức nào. Công việc đó từ giáo viên chủ nhiệm, hội đồng giáo dục, Cha mẹ học sinh của lớp, trường đều không ồn ào và rất thầm lặng. Cha mẹ học sinh lớp 10 Lý, rồi 11 Lý đều hiểu rõ hoàn cảnh của em và đã có sự hỗ trợ thường xuyên. Nhà trường quan niệm rằng học sinh, dù là một đứa trẻ đều có lòng tự trọng, một cậu thanh niên như em Hiếu thì tự trọng có thể cao hơn rất nhiều. Và vì vậy, giáo viên chủ nhiệm là người thích hợp để tìm hoàn cảnh phù hợp để trao cho em một món quà để em Hiếu đón nhận như sự động viên, chia sẻ nhưng cũng đầy khích lệ để em Hiếu sẵn sàng vượt qua khó khăn.

Và bài văn của em Hiếu chưa hẳn là một bài văn lạ trong trường. Cách suy nghĩ đó, nghị lực đó cũng được biểu hiện trong nhiều bài văn khác, ở nhiều em học sinh khác của nhà trường và thậm chí ở cả những em nhỏ tuổi hơn. Tuy nhiên, điều đó cũng được hiểu như đặc điểm của học sinh trường Hà Nội Amsterdam. Điều đó khiến cô thấy rằng “Kỹ năng chia sẻ” mà các em học sinh khối 10 đang thực hiện đã được các em hiểu thấu đáo và sâu sắc.

Nếu các em đề cập đến tình huống khi bài văn của em ấy xuất hiện trên báo mạng thì cô thấy rất mừng khi nhận thấy hiệu ứng rất tốt của xã hội. Hiệu ứng đó cho thấy xã hội mà chúng ta đang sống đầy tình thương và trách nhiệm. Ở quan điểm của một người làm nghề giáo dục cô thấy đây là một cơ hội tuyệt vời để giới truyền thông thực hiện sứ mệnh vĩ đại của mình, đó là việc định hướng cho thế hệ trẻ về hệ thống giá trị cốt lõi, giúp giới trẻ, đặc biệt tuổi THCS và THPT nhìn lại hệ giá trị sống, biết trân trọng cuộc đời, có đủ trí tuệ và nghị lực để vươn lên sống có trách nhiệm với bản thân, với gia đình và xã hội, tìm được những giá trị đích thực trong cuộc đời. Hơn thế, bài văn của em Hiếu cũng đã thể hiện được tính tích cực của phương pháp giáo dục mở mà các em học sinh trường Hà Nội Amsterdam đang được thụ hưởng. Phương pháp gợi mở này tạo cơ hội cho các em học sinh bộc lộ bản thân, suy nghĩ thực. Điều này mang lại giá trị rất ý nghĩa để từ đó mỗi cô giáo, thầy giáo bộ môn hay chủ nhiệm thấu hiểu được tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của học sinh từ đó lựa chọn một phương pháp giáo dục phù hợp và hiệu quả  để tiếp cận và giáo dục các em, giúp các em dần trưởng thành và hoàn thiện nhân cách.

Về Hiếu, cô cũng đã trao đổi với bạn để trang bị thêm cho bạn những kỹ năng biết giữ cân bằng và điều chỉnh nhịp sinh hoạt để làm sao vừa đón nhận tấm lòng nhân ái của các tổ chức, thầy cô, bạn bè nhưng vẫn hoàn thành kế hoạch học tập của mình một cách tốt nhất. Vì thời gian tới đây là thi học kì, nếu Hiếu không điều chỉnh tốt thì mọi sự giúp đỡ có thể trở nên thiếu ý nghĩa. Hiếu là một thanh niên có nghị lực và bản lĩnh nên cô tin Hiếu hiểu rằng đồng tiền có giá trị lớn bao nhiêu thì Hiếu càng cần có nghị lực nhiều hơn nhiều lần để có thể điều tiết được đồng tiền làm cho nó trở nên có giá trị và ý nghĩa trong cuộc đời. Bằng niềm tin vào học sinh từ nhiều thế hệ học trò của nhà trường, cô chắc rằng Hiếu sẽ cố gắng học tập hơn và có đủ điều kiện để thành công hơn.

Qua câu chuyện rất cảm động về sự nghị lực và vượt khó của bạn Hiếu, cô có lời nào muốn nhắn nhủ tới các bạn học sinh trường HN-Ams không ạ ?

Lời nhắn gửi của cô nằm trong mong muốn các em hãy thấu hiểu rằng công việc mà những thầy giáo, cô giáo và các bác nhân viên của nhà trường đang làm hàng ngày rất thầm lặng, nhưng bằng cả tấm lòng, sự tận tụy, trách nhiệm và đạo đức cao nhất của những người làm nghề giáo. Mỗi bài giảng, mỗi lời dạy, mỗi công việc của thầy cô đều chứa đựng sự khát khao mong muốn lứa học trò của mình sẽ là những lớp công dân chuẩn mực nhất trong hệ giá trị đạo đức, trưởng thành nhất về nhân cách và giàu có nhất về tri thức và tâm hồn. Các em cũng cần hiểu được giá trị đích thực của mình cũng như của cuộc sống để vươn tới thành công.

Chúng con cảm ơn cô. Chúng con xin  chúc cô sức khỏe dồi dào, luôn tươi trẻ, hạnh phúc và thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống, đặc biệt là chúc cô luôn giữ được  tâm huyết với nghề giáo để dìu dắt thêm nhiều thế hệ học sinh chăm ngoan và học giỏi.

PV: Anh Thư – Hằng Anh (Chuyên Văn khóa 10-13)