The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Gặp Hạnh Nga - Amser nhận học bổng Harvard

Post by: Phan Mạnh Tùng | 27/07/2011 | 13588 reads

Kỉ niệm là một cách lưu giữ những điều ta yêu, lưu giữ chính bản thân con người và cũng là những gì không bao giờ ta muốn đánh mất. Hãy cùng lắng nghe những kỉ niệm trong suốt 7 năm học tại Ams của Ngụy Hồng Hạnh Nga -  cựu Amser giờ đã là sinh viên của trường Đại Học danh tiếng - Đại Học Harvard để hiểu được tấm lòng tri ân ấy dành cho Ams và những người bạn, các thầy cô giáo dưới mái trường

  • Xin chào chị Nga. Chúng ta vẫn chưa biết nhiều về nhau, chị có thể giới thiệu đôi điều về bản thân mình không?

Chị tên là Ngụy Hồng Hạnh Nga, sinh ngày 15/4/1993, học sinh lớp Anh 2 khóa 08-11. Chị nói cực kì là nhiều, và tự thấy mình là người vui vẻ, hòa đồng nhưng cũng không quá dễ gần – thỉnh thoảng có lúc cũng không thân thiện cho lắm. Chị có một tình yêu đặc biệt với Ams vì chị đã học dưới mái trường này 7 năm rồi.

  • Chị có thể chia sẻ về tình yêu dành cho Ams của mình không? Có khi nào là tình yêu với một người, một thứ gì đó rất đặc biệt, riêng rẽ?

Khi nghĩ về Ams thì chị nghĩ đến rất nhiều người chứ không chỉ có một. Hồi lớp 5 thi vào không biết gì, thấy trường quá to, quá rộng, lại có nhiều nhiều các anh chị lớn học cùng nữa nên chỉ thấy choáng ngợp.

Lớp 6 chị may mắn được cô Đặng Kim Ngân chủ nhiệm. Cô Ngân tuy nghiêm khắc với nhưng cô vẫn để bọn chị phát triển một cách rất thoải mái. Có lần cả lớp nghịch rất mạnh, xong sợ khi cô về sẽ bị cho một trận. Nhưng cô cũng nhẹ nhàng chỉ cho bọn chị biết mình đã sai như thế nào, để rồi sau đó cả lớp tự giác đi xin lỗi các thầy cô. Chị nhớ cả thầy Tuấn hiệu phó trường mình, người năm chị lớp 7 đã mua tặng bọn chị một cái nhà giáng sinh bằng nến, mà bây giờ chị vẫn còn giữ. Rồi cả cô Đinh Hoàng Ngân dạy bọn chị hồi lớp 8, 9 nữa. Chính cô Ngân đã cho chị ý tưởng thi vào chuyên Anh, và đã dạy cho chị rất nhiều không chỉ môn Anh, mà còn là kĩ năng làm việc, quản lí. Và chắc chắn là phải nhắc đến cô Phương chủ nhiệm lớp Anh 2 của chị, người luôn đứng sau hỗ trợ cho cả lớp.

Nói đến Ams còn phải nói đến nhiều điều đặc biệt nữa. Một trong số đó là việc các em cấp 2 được học cùng các anh chị cấp 3. Ngày còn học cấp 2, bọn chị nhìn các anh chị cấp 3 chơi bóng rổ, tham gia NHAT và các lễ hội khác, dần dần thành thần tượng các anh chị và càng ngày càng muốn được trở thành một học sinh cấp 3 Ams. Vì thế nên sau 4 năm cấp 2 Ams chị không đăng kí thi trường chuyên nào khác ngoài Ams.

                       

  • Chị đã bao giờ gặp phải thất bại chưa? Trong thời gian học ở Ams chị có tiếc nuối điều gì không?

Thật sự thì trong 7 năm ở Ams chỉ có duy nhất một lần chị nuối tiếc, đó là khi chị đã không thi vào Anh 1 như mình muốn. Lúc đấy chị coi đó như một thất bại, buồn mất nguyên một năm lớp 10 và vì thế không hòa nhập được cùng bạn bè. Nhưng sau một năm, chị nhận ra Anh 2 thật tuyệt, có những điều với chị thậm chí Anh 2 chẳng hề thua kém. Chị nhận ra mọi thứ quan trọng là ở mình: mình nhìn nhận mọi thứ như thế nào thì nó như thế. Và suốt hai năm còn lại chị thật sự rất hạnh phúc ở Anh 2. Điều tiếc nuối duy nhất có lẽ cũng không còn là một điều gì để mà buồn nữa.

  • Vậy thì chị đã có dự định gì về tương lai của mình, ngành học hay công việc sau này sẽ thế nào rồi?

Thỉnh thoảng chị cũng có ý định đi theo ngành giáo dục và về lại trường Ams.  Một trong những ước mơ của chị là về trường Ams cổ vũ các em “ăn chơi đàn đúm” – tất nhiên không phải là chơi bời hư hỏng, mà cái chị muốn nói đến là "Ams spirit". Có những lúc chị còn  muốn về làm hiệu trưởng Ams cơ (cười). Tất nhiên, khi mới ra trường chị sẽ thử sức trong một lĩnh vực nào đó khác, ví dụ như truyền thông, marketing hay du lịch. Nhưng chị vẫn hi vọng đến khi trưởng thành và chín chắn sẽ được quay về trường. Chị muốn sau này mình có thể trở thành một người cool như thầy Điện, có thể mặc sơ mi quần Hawaii đến trường và được học sinh ào ào chào đón.

  • Ngoài trường Harvard chị còn nộp hồ sơ vào những trường nào nữa không?

Chị nộp vào 20 trường em ạ. Kết quả thì được vào 2 trường, ngoài Harvard thì còn trường Wellesley College, nó là một trường nữ, và là một ngôi trường rất tuyệt. Phải đến khi có kết quả apply rồi chị mới thật sự thấm thía là việc chọn trường không hề đơn giản. Không phải chỉ có chọn theo những tiêu chí thông thường như mức độ khó, khả năng hỗ trợ tài chính. Phải thật sự cảm thấy có cái gì gắn bó giữa mình với trường thì mới nên apply. Nếu “cố đấm ăn xôi” apply vào một trường mình không cảm thấy có sự gắn bó hay hứng thú, không chỉ tự làm thấp triển vọng được nhận, mà cả khi được nhận mình cũng sẽ không cảm thấy thoải mái.

                         

  • Có lời cuối nào mà chị muốn gửi gắm tri ân tới Ams không?

Chị phải gửi lời cảm ơn sâu sắc tới Ams. Tất cả những gì mà chị đạt được ngày hôm nay phần lớn là thuộc về Ams hết. Nếu không ở Ams thì không biêt đến những cơ hội học tập lớn đến như thế. Thậm chí cả con người và tính cách chị hôm nay cũng được định hình từ Ams luôn. Môi trường năng động ở đây khiến mình cũng năng động theo, và tự cho mình động lực để tự hoàn thiện bản thân mình hơn rồi cố gắng vượt lên để được như các anh chị mình hâm mộ ngày trước. Các thầy cô của Ams cũng luôn tạo điều kiện để khơi dậy những tiềm năng của học sinh. Và đặc biệt ở Ams thì còn có những tình bạn rất đẹp, gắn bó rất sâu đậm. Hiếm có một cơ hội nào như vậy em ạ. Ams giống như một ngôi nhà lớn mà khi ra đi chị cảm thấy rất luyến tiếc,.

 Bên cạnh đấy chị cũng có một ý kiến là chúng ta nên khôi phục lại HAO và kết hợp HAO cùng với trang web chính thức của trường mình. HAO từng hoạt động mạnh vô cùng, và từng là nơi chị gửi gắm rất nhiều kỉ niệm. Chị muốn HAO và trang web của trường mình sẽ thật đẹp và hoành tráng như các trường cấp 3 hay đại học bên kia để các bạn nước ngoài có thể vào đọc và tìm hiểu về trường mình. Biết đâu đấy sẽ có lúc các bạn ấy lại muốn apply vào Ams thì sao? (cười)

Cảm ơn chị về cuộc nói chuyện đầy kỉ niệm đẹp. Chúc chị lên đường may mắn :)

 

PV: Trúc Quỳnh - Mạnh Tùng