The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Tinh thần tự học của Hồ Chủ tịch trong suy nghĩ của người trẻ

Post by: webams | 12/07/2021 | 1344 reads

Con đường tự học, tinh thần học tập của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ để lại bài học lịch sử mà còn là niềm cảm hứng cho bao thế hệ, ngay cả đến hôm nay.

>> Học và làm theo lời Bác dần trở thành việc làm thường xuyên, liên tục

Bác Hồ với các cháu thiếu nhi. Ảnh tư liệu

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tượng đài vĩ đại cho tinh thần tự học và vươn lên không ngừng nghỉ, dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính tinh thần học hỏi, ý chí tự học, tự phấn đấu, rèn luyện đã hun đúc nên một Nguyễn Tất Thành, một Nguyễn Ái Quốc, một Hồ Chí Minh, một vĩ nhân Việt Nam, danh nhân thế giới. Một con người với tư duy minh triết, khối óc thông tuệ và một trái tim yêu nước thương dân nồng nàn cùng nhiệt huyết cháy bỏng đã quyết ra đi tự tìm đường cứu nước từ khi mới 21 tuổi. Tinh thần tự học, tự hoàn thiện, ý chí tự vươn lên không chịu khuất phục áp bức, cường quyền của một con người đã biến thành công cuộc giải phóng vĩ đại của một dân tộc. Độc lập tự do của Tổ quốc hôm nay bắt nguồn từ những ngày tháng “Người đi tìm hình của nước”.

Đọc tiểu sử của Người, từ lúc sinh ra, thuở thiếu thời cho đến khi trưởng thành đều trải qua khó khăn, vất vả, thiếu thốn, không có điều kiện được đào tạo bài bản về chính trị, quân sự, ngoại giao, nhưng có lẽ rất khó có một chính trị gia, nhà quân sự, nhà ngoại giao nào hơn thế. 

Do đó, Người luôn có thái độ học tập nghiêm túc, ý thức tự học thường trực, coi đó là nguồn gốc căn bản để nâng cao trình độ bản thân. Tấm gương tự học của Người không chỉ ở tinh thần, thái độ cầu tiến trong học tập mà còn thể hiện ở tư duy học tập nghiêm túc, có nền tảng, có tính khoa học; có mục tiêu, kế hoạch cụ thể, có phương thức hành động rõ ràng, có sự kiên trì, bền bỉ, có nỗ lực sáng tạo đổi mới, được nâng tầm thành một triết lý nhân sinh và nghệ thuật rèn luyện. Với những phân tích khoa học về con đường tự học và tinh thần học tập của Bác, điều cần thiết là bài học rút ra cho mỗi người, đặc biệt là thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay:

Một là, phải luôn có tư tưởng, ý thức “hướng học” và “hiếu học”. Phải luôn thường trực sự học hỏi, học tập ở mọi nơi mọi lúc, phải kết hợp cả học thường xuyên và linh hoạt với học tập, nghiên cứu bài bản.

Hai là, phải luôn giữ tinh thần, ý chí và nghị lực học tập. Tinh thần học tập cũng là một phẩm chất cá nhân được rèn luyện, thậm chí được coi là một trong những năng lực cá nhân quan trọng trong một số khung năng lực được xây dựng cho cán bộ nhân viên của nhiều tổ chức, công ty hiện nay. Nghị lực học tập phải được thể hiện qua sự quyết tâm, bền bỉ từng ngày chứ không thể học dồn một lúc, học cho xong, “học tới đâu hay tới đó”. Sự phát triển như vũ bão của khoa học kỹ thuật làm cho cái mới cũng trở nên cũ rất nhanh, chỉ cần buông xuôi không cập nhật là trở nên lạc hậu ngay lập tức. Bên cạnh đó, luồng thông tin và kho tri thức nhân loại đã trở nên khổng lồ nhưng lại rất dễ tiếp cận, là tài nguyên mà ai cũng có thể khai thác nhưng muốn làm chủ được chúng thì không thể thông qua mua bán, vay mượn mà chỉ có con đường duy nhất là học tập, tự học hỏi để tích lũy cho bản thân và ứng dụng vào công việc, cuộc sống một cách có ý nghĩa nhất.

Ba là, cần tự học một cách chủ động, sáng tạo chứ không mang tính đối phó hay chạy theo thành tích. Việc trau dồi kiến thức không chỉ xoay quanh điểm số, giấy khen, bằng cấp mà phải nhằm bồi đắp giá trị đích thực để đóng góp cho xã hội.

Bốn là, việc tự học cũng cần có tư duy, có lựa chọn bởi tri thức là vô tận nhưng thời gian, khả năng tiếp nhận của mỗi người là hữu hạn. Giới trẻ là những người rất ham hiểu biết, có khả năng cập nhật liên tục và tiếp thu nhanh nên càng cần tư duy chín chắn và sự lựa chọn sáng suốt trong việc học cái gì, ở đâu, với ai. Kiến thức là nguồn tài nguyên mở nhưng việc tự khám phá, tiếp thu ra sao là sự lựa chọn của riêng mỗi người. Nếu lựa chọn không cẩn thận, theo đuổi một cách xô bồ thì sẽ tốn thời gian, công sức, thậm chí là tiền bạc và chi phí cơ hội cho những điều không thật sự thiết thực, thậm chí có hại, đi ngược lại với thuần phong mỹ tục và chuẩn mực đạo đức xã hội.

Năm là, ngoài tự học các kiến thức chuyên môn thì cần trang bị cho bản thân các kiến thức nền tảng về chính trị, văn hóa, xã hội. Đặc biệt, lớp trẻ cần có những hiểu biết vững chắc về lịch sử, truyền thống, phong tục, tập quán và văn hóa Việt Nam, cần thông thạo ngôn ngữ mẹ đẻ trước khi giỏi ngoại ngữ khác. Bác đã dạy: “Dân ta phải biết sử ta. Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Cần trang bị vững chắc các kỹ năng sống, kỹ năng sinh tồn, kiến thức tự chăm sóc bản thân và gia đình... Giới trẻ cũng cần tiên phong trong các công việc xã hội - thiện nguyện để mang những hiểu biết cá nhân có được nhờ quá trình học tập, tự học vào các hoạt động ích nước lợi nhà và đóng góp cho cộng đồng, đất nước.

Sáu là, học cần đi đôi với hành. Thực tiễn luôn là thước đo đúng đắn nhất cho mọi bài học. Với mỗi người, tùy ở điều kiện và khả năng, cần siêng năng luyện tập, thực tập trong quá trình tự học. Kỹ năng làm việc và sự cọ sát thực tế chính là tạo nên năng lực và ưu thế cá nhân, bởi khi ra đời, “hay chữ” phải đi đôi với “hay làm” chứ không chỉ là mang lý thuyết, sách vở vào áp dụng một cách cơ học, máy móc.

Bảy là, học tập và tự học là một quá trình suốt đời theo tấm gương của Bác. Do đó, các bạn trẻ không nên “dục tốc bất đạt”, không nên quá áp lực, tự làm khó cho bản thân. Mỗi người có sự phấn đấu, học tập, tự hoàn thiện theo cách riêng của mình và không nên quá chạy đua về học vấn, vị thế.

Tám là, thống kê cho thấy tỷ lệ người Việt Nam sử dụng internet, mạng xã hội hiện nay là rất cao, kéo theo việc lạm dụng thời gian học tập, thời gian làm việc vào tán gẫu, chơi game, lướt web, gây xao lãng nhiệm vụ chính và lãng phí tài nguyên chung. Do đó, thế hệ trẻ thông minh, bản lĩnh cần biết khai thác mặt ưu của công nghệ, của mạng xã hội để phục vụ cho học tập, nhất là việc tự học, cũng như phục vụ cho công việc và cuộc sống của mình; đồng thời biết kiểm soát, giới hạn bản thân để không bị lôi kéo, sa đà và bị ảnh hưởng tiêu cực của những kênh thông tin, trò chơi, trào lưu không tốt trên mạng. Ngoài ra, giới trẻ cũng cần học hỏi, hoàn thiện bản thân về ngôn ngữ, phong cách giao tiếp, kỹ năng ứng xử với xung quanh, tránh việc quá lạm dụng giao tiếp trên mạng, giao tiếp trong môi trường ảo, sử dụng từ tắt, tiếng lóng mà bỏ qua hệ thống từ ngữ chuẩn mực, bỏ qua việc giao lưu xã hội thực tế, tương tác với người thật việc thật.

Chín là, học tập, tự học hỏi, tự rèn luyện mục đích cuối cùng là để phục vụ cho bản thân, gia đình và cao hơn cả là quê hương đất nước. Kết quả của quá trình tự học, học hỏi phải được biến thành sự đóng góp thiết thực, ích nước lợi dân chứ không chỉ nằm trong thành tích học tập. Đặc biệt, những bạn trẻ sớm đi du học và tiếp thu tinh hoa văn hóa phương Tây càng cần có ý thức hướng về quê hương để mang những kiến thức, hiểu biết của mình đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Mười là cần có phương pháp, công cụ học tập đúng đắn. Đã qua thời học tập theo mô hình một thầy giảng và nhiều người nghe trong một lớp học tập trung, mà kiến thức đang được tiếp thu liên tục thông qua quá trình tự học hỏi, tự tìm tòi, tự tiếp nhận. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay đã giúp người học có thêm nhiều công cụ học tập như học điện tử (e-learning), học trên di động (mobile learning), học cộng tác/xã hội (social learning), học siêu ngắn (microlearning)… rất nhanh chóng, mọi lúc mọi nơi và trên nhiều phương tiện, công cụ khác nhau (máy tính, máy tính bảng, điện thoại...).

Ngày nay, chúng ta có điều kiện và cơ hội tự học lớn hơn nhiều so với thời đại của Bác, với sự trợ giúp của công nghệ. Giới trẻ đang có điều kiện đầy đủ hơn về vật chất, tinh thần, nếu không nâng cao ý thức học tập, tự học, tự rèn luyện thì không thể tài giỏi và trở thành những người có ích cho cộng đồng, cho đất nước.

TS. Bùi Quang Tuyến, Giám đốc Học viện Viettel và Em Đặng Vũ Ngọc Mai - Lớp 10 Sử - Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam tại Hội thảo khoa học: “Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh – bài học và liên hệ bản thân”.

Đặng Vũ Ngọc Mai

Học sinh chuyên Sử 2023 - Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam