Suy nghĩ về cái sự học Văn
Tôi nhớ hồi còn học lớp chuyên văn trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, câu nói mở đầu của cô chủ nhiệm cho bài kiểm tra đầu tiên của chúng tôi đó là “Các con cứ viết cái gì các con cảm nhận”, và rồi cứ thế, mỗi bài văn của học sinh chuyên văn chúng tôi là một tuyên ngôn cho cái lý tưởng về tình yêu, về cuộc đời mà chúng tôi có được từ những Lão Hạc, những cái say tình yêu của Xuân Diệu, những nước mắt của Chí Phèo. Tất cả những gì chúng tôi viết, đó là chính chúng tôi, là không bài nào giống bài nào, là cách chúng tôi cảm nhận qua tác phẩm.
Đôi khi tôi bắt gặp một vài cuộc thi viết văn, tôi thấy lạ cho một tờ barem điểm. Vậy là thế, dù mỗi học sinh có những kinh nghiệm sống, những cá tính không ai giống ai, có những tiếng lòng cũng thật khác biệt, thì cũng cần phải viết ý cho giống nhau, cho đủ những ý trong barem mới đủ điểm. Dẫu trong tờ đáp án có câu xét điểm cho những bài có ý tưởng khác, thì tôi chợt nghĩ, có học sinh nào dám “liều” mà viết khác, có cậu bạn nào sẵn sàng mất điểm cho những cái tôi, cho cái tâm hồn văn “lạc loài” với tờ đáp án? Phải chăng đây là câu lý giải cho những buồn phiền của cô tôi khi những lần chấm bài trong một số cuộc thi viết, gặp mười bài, cô buồn cho cả mười bài giống nhau. Đây cũng có chăng là lý do cho sự “thịnh vượng” của những quyển văn mẫu, những trang web thay vì chia sẻ những ý kiến về các tác phẩm thì lại là những bài viết kiểu mẫu với lời quảng cáo đầy hấp dẫn “Những bài văn đạt điểm 10”?
“Vậy học văn để làm gì?” _ tôi tự hỏi, khi mà ngòi bút cá nhân không được hoan ngân trong một vài kì thi chính thống quan trọng, khi ý kiến cá nhân về văn học đôi khi bị đập lại bởi những nhận xét “sai rồi”, khi như một người bạn chuyên lý đã từng nói với tôi “Học văn chẳng dễ kiếm việc, nó thật vô tác dụng!”. Trong một buổi dạy văn cho đứa cháu họ, đọc đề bài “Em hãy cảm nhận bài thơ Mùa xuân nho nhỏ”, tôi chỉ mỉm cười bảo đứa cháu “Cháu cứ viết cái gì cháu cảm nhận được đi”. Và thật sững sờ khi bị mẹ cháu trách “ Em làm thế hại cháu rồi, nó cảm nhận thì làm sao đúng! Rồi nó lại bị cô cho điểm kém. Em cứ viết một bài văn mẫu cho chị, chị bắt nó học thuộc”. Tôi chợt nghĩ cô giáo nào lại cho điểm kém cho cái tình yêu thơ văn của một đứa trẻ? Ai lại nỡ làm lu mờ đi cái trong sáng, hồn nhiên của một đứa trẻ trong thế giới văn thơ? Vì sao bảo một đứa trẻ nói lên những cảm xúc của chúng trước một bài thơ lại là làm “hại” chúng?
Học văn thời nay có phải là vậy?? Là học thuộc, là văn mẫu, là điểm số, và đặc biệt là “ Đúng hay sai”?? Mỗi ngày trên mạng, ta lại bắt gặp những tin “ Bài văn lạ của học sinh….”. Có lẽ với cách học văn như vậy, thì những bài văn lạ vẫn cứ là những vấn đề nóng hổi cho người đời bàn tán, khen ca, những bài văn hay, được viết bằng chính tâm hồn yêu văn thơ của học sinh sẽ vẫn được coi là “lạ”.
Sao mà tôi thèm quá những bài văn trong sáng, những ghét, những thương cho một tác phẩm, những nước mắt cho sự đồng cảm với nhân vật nào kia. Tôi chợt nghĩ, Nam Cao, Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, có ai lại ghét những bài văn được viết bằng tình cảm thật của học sinh hay không?
Thu Hằng ( Văn Ams 09 -12 )