The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

PHỎNG VẤN NHÓM THI ISEF QUỐC TẾ - CON ĐƯỜNG ĐỂ CHẠM TỚI THÀNH CÔNG!

Post by: nhungvh | 24/04/2014 | 5136 reads

Giải nhất trong lĩnh vực Vật liệu và Công nghệ sinh học, giải Nhất toàn cuộc hội thi khoa học và kĩ thuật cấp quốc gia năm 2014, đó là những thành tích thật sự rất đáng ngưỡng mộ của nhóm Amsers tài năng trong hội thi quy mô Isef vừa qua được tổ chức tại Hoa Kỳ. Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi nhận được kết quả đáng mừng đó nhưng chắc hẳn cảm xúc của các thành viên vẫn còn nguyên vẹn. Vậy chúng ta hãy cùng trò chuyện với những Amser tài năng này và chia sẻ niềm vui với họ nhé.

1. Em được biết, Intel Isef là hội thi khoa học dành cho học sinh phổ thông lớn nhất thế giới được tổ chức hàng năm vào tháng 5 tại Hoa Kì. Anh chị đã đến với hội thi quy mô lớn ấy như thế nào? Các anh chị đã phải chuẩn bị những gì trước khi tham gia cuộc thi?

Yến Lan: Chị đã cố gắng tìm ý tưởng và xây dựng đề tài cho mình từ đầu năm lớp 10, khi bắt đầu vào học chuyên Hóa. Vì là một học sinh chuyên Hóa cho nên hầu hết các ý tưởng của chị lúc đó chủ yếu là về Hóa học. Sau này, những ý tưởng về Hóa học ấy cũng hỗ trợ rất nhiều cho ý tưởng về Sinh học của dự án.

Tiến Đạt: Về phần anh thì năm lớp 11 anh có tham gia thi Isef nhưng đến vòng thành phố anh đã phải dừng chân rồi. Vậy nên năm sau anh với chị Lan đã quyết tâm lập nhóm “phục thù”.

ISEF

Nhóm thi ISEF gồm 3 thành viên: Yến Lan (nhóm trưởng) - Tiến Đạt - Anh Tú (từ trái sang)

ISEF2

Chị Yến Lan hết tháng 5 này là vừa tròn 7 năm là Amser đó!

2. Anh chị có thể nói rõ hơn về mối quan hệ của các thành viên trong nhóm được không ạ? Các anh chị chỉ đơn giản là những cá nhân yêu mến khoa học, muốn kết hợp để tham gia cuộc thi hay các anh chị đã thân thiết với nhau từ trước?

Yến Lan: Trước khi tham gia cuộc thi, nhóm mình chỉ là bạn cùng khối, cùng lớp quen biết xã giao. Khi tham gia cuộc thi, cùng làm việc, trao đổi kiến thức và phấn đấu cho cùng một mục đích, cả nhóm hiểu nhau hơn và dần trở nên thân thiết hơn. Nhờ tham gia cuộc thi này mà mình hiểu rằng không thể đánh giá một người chỉ dựa vào ấn tượng ban đầu.

Tiến Đạt: Anh với chị Lan cùng lớp Hóa 1 nên cũng đã quen biết từ trước với nhau, còn Tú (12 Sinh) thì được xếp thêm vào nhóm để tham gia cùng và củng cố thành viên. Lúc đầu còn hơi bỡ ngỡ nhưng dần dần trong quá trình làm việc, cả nhóm càng trở nên đoàn kết hơn và thân thiết hơn.

 ISEF3

Anh Tú- cậu bạn 12 Sinh, một mảnh ghép không thể thiếu cho nhóm. Tuy nhiên, vì một số sự cố nhỏ nên mảnh ghép còn lại không thể tham gia cuộc phỏng vấn này.

3. Anh/chị có thể cho độc giả, các bạn học sinh biết niềm đam mê khoa học của mỗi người bắt nguồn từ đâu không? Đó là niềm vui thích từ tuổi nhỏ hay đam mê ấy được vun đắp gieo trồng trong quá trình học trên trường lớp?

Yến Lan: Nói là niềm đam mê khoa học thì cũng hơi to tát quá. Với chị thì đơn giản chỉ là sự tò mò, băn khoăn muốn hiểu rõ hơn về tất cả những thứ có xung quanh mình, đã có từ khi rất nhỏ.

Bên cạnh đó, chị đã có 7 năm học tập dưới danh nghĩa là 1 Amser. Quá trình học tập và rèn luyện ở đây đã giúp sự tò mò thuở nhỏ đơn thuần của chị dần trở thành sự thôi thúc tự đặt câu hỏi, tự nhìn nhận ra các vấn đề và tự tìm câu trả lời cho vấn đề đó.

Tiến Đạt: Đối với anh thì Isef là một trải nghiệm mới và anh muốn thử sức mình với nó. Năm ngoái chỉ dừng chân ở vòng thành phố nên đó chính là động lực cho anh cố gắng hơn trong năm nay để đạt được điều mà năm ngoái chưa đạt được.

 ISEF 4

(thứ hai từ phải qua)

Dù ngoài đời hay trên ảnh, chị ấy cũng hay cười và rất nhí nhảnh, vui tính.

ISEF5

Luôn tươi tắn và tự nhiên như vậy

 

4. Chắc hẳn nhóm đã có những kỉ niệm đẹp và đáng nhớ trong quá trình hoàn thành dự án. Các anh chị sẵn lòng chia sẻ một vài kỉ niệm chứ J ?

Yến Lan: Kỉ niệm thì chỉ là những cái nhỏ nhỏ vui vui trong quá trình làm việc thôi, kiểu như hôm phải dọn kho để đặt thí nghiệm, cả mấy đứa đeo khẩu trang khoác áo trùm kín mít cầm chổi khua khoắng múa may loạn xạ, dọn thì ít mà hò hét đánh nhau thì nhiều. Có đứa con trai mà nhìn thấy mỗi cái mạng nhện đã sợ rúm ró chuồn ra ngoài ngay lập tức không quay trở lại.

Tiến Đạt: Kỉ niệm đều là những lần làm thí nghiệm, rất khó khăn nhưng cũng rất ý nghĩa.

ISEF6

Những kỉ niệm gắn bó với quá trình làm thí nghiệm

5. Anh vừa nhắc đến những khó khăn, em cũng cho rằng khó khăn có lẽ là điều không thể thiếu trên con đường đến thành công. Các anh chị đã gặp phải những trở ngại nào suốt chặng đường để gặt hái thành tích cao trong cuộc thi không? Có khi nào các anh chị thấy e ngại và muốn từ bỏ không?

Yến Lan: Tham gia cuộc thi này, với chị và anh Đạt là năm thứ 2. Năm ngoái chị cũng đã tham gia với một đề tài khác mà với chị là tương đối thú vị, tuy nhiên do một số lý do mà đã dừng lại ở vòng thành phố. Thất bại năm ngoái làm ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần tham gia cuộc thi năm nay của chị, mặc dù nó cho chị khá nhiều kinh nghiệm.

Bên cạnh đó, tuy 3 thành viên trong nhóm là một đội, nhưng cũng vấn là 3 cá thể riêng biệt nên nhiều lúc không tránh khỏi bất đồng. Việc tìm được tiếng nói chung đôi khi cũng khiến chị gặp nhiều trở ngại và mệt mỏi, nhưng chưa khi nào nghĩ đến chuyện bỏ cuộc.

 

Tiến Đạt: Các khó khăn hầu hết xoay quanh các vấn đề về công việc và làm việc nhóm. Ai cũng có ý tưởng của mình nên việc khó nhất là thống nhất ý kiến chung. Ban đầu tuy rất khó khăn nhưng dưới sự dẫn dắt của nhóm trưởng thì mọi việc đã được thống nhất và đi vào nề nếp hơn. Còn về phần công việc thì anh nghĩ nó phụ thuộc khá nhiều vào sự may mắn, kiên trì.

 ISEF7

Bật mí là anh Đạt và chị Lan là những người bạn rất thân thiết nhé!

6. Các anh chị có “bí quyết” gì để có thể sáng tạo ra những ý tưởng mới, ứng dụng những kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình làm dự án không?

Yến Lan: Với chị thì ý tưởng nó luôn nằm sẵn trong đầu, chỉ cần tiếp cận đúng cách, mình sẽ có một ý tưởng có giá trị. Để vận dụng được những kiến thức đã học vào giải quyết các vấn đề nảy sinh, chị nghĩ là cần chịu khó tìm hiểu bản chất, đào sâu vấn đề, mở rộng tới các vấn đề liên quan. Một khi đã hiểu rõ vấn đề mình gặp phải là gì chắc chắn sẽ có cách giải quyết phù hợp cho vấn đề đó.

Tiến Đạt: Có lẽ điều quan trọng nhất là phải chịu khó, đúng ra là “chịu khổ” ấy chứ (cười). Có rất nhiều thứ sẽ không theo ý mình, em phải chấp nhận sự thất bại, những việc làm đi làm lại mà vẫn không được gì nhưng vẫn phải tiếp tục kiên trì cố gắng. Bên cạnh đó, vì làm việc nhóm nên cũng phải biết lắng nghe nhiều hơn nói, tôn trọng ý kiến những thành viên khác. Cuối cùng là chăm chỉ rèn luyện, tiếp thu thêm nhiều kiến thức để làm nền, tạo ra những sáng chế mới.

7. Ngoài niềm đam mê với khoa học thì các anh/chị còn hứng thú với những môn học nào khác hay có sở thích gì đặc biệt không?

Yến Lan: Chị thích đọc sách, nó cho mình sống những cuộc đời khác mà có thể thực tế mình không có được. Đọc sách, đọc quan điểm, góc nhìn của người khác cũng giúp mình có thể nhìn nhận mọi thứ, mọi vấn đề theo nhiều góc nhìn, nhiều khía cạnh.

Tiến Đạt: Anh có khá nhiều sở thích về âm nhạc, thể thao. Về thể thao thì anh thích bóng đá, bóng bàn,… Về âm nhạc thì anh có chơi guitar và cũng từng lập band.

 ISEF8

Anh Đạt là một tay guitar rất cừ đấy nhé!

8. Sắp tới, các anh chị có dự định gì đặc biệt không? Liệu nhóm có một lần nữa tái hợp trong một dự án khác hay mỗi người sẽ tập trung vào học tập, con đường riêng của mình?

Yến Lan: Trước mắt cả nhóm sẽ dồn toàn lực cho kì thi quốc tế tại Los Angeles, Hoa Kỳ, còn tương lai sau đó chị chưa biết trước, có thể sẽ vẫn hợp tác trong các dự án khác nếu điều kiện cho phép.

Tiến Đạt: Sẽ còn tùy thuộc xem tương lai khá nhiều và nếu tương lai cho phép thì nhóm tái hợp cũng là một điều tốt, sẽ thêm được một trải nghiệm nữa. Nhưng đã qua quá trình làm dự án vật vả, gặt hát được thành công thì cũng có thể tiến tới những cơ hội lớn hơn.

Được giải quốc tế ISEF nên một số trường đã công bố tuyển thẳng, anh cũng đã nộp hồ sơ và được nhận vào một số trường. Anh vẫn đang phân vân quyết định nên du học hay học trong nước.

Em xin cảm ơn các anh chị đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này. Em mong các anh chị sẽ ngày càng gặt hái được thêm nhiều thành công trên con đường học tập của mình, luôn tỏa sáng và tự hào là những Amser tài năng, tâm huyết.

PV: Bùi Thùy Linh (Văn 13 - 16)