Những "chiêu độc" của thầy cô chúng mình
Thật kì lạ khi lớp học lại biến thành một nhà hát kịch cùng với những lời "dụ dỗ" thật ngọt ngào của thầy cô!
Không phải chỉ có dân “thứ ba học trò” chúng mình mới có những quái chiêu khi đến trường, đến lớp đâu nhé! Các thầy cô thường ngày vốn rất là nghiêm khắc nhưng cũng có rất nhiều bí kíp riêng khiến cho lũ học trò chúng mình học hành hiệu quả hơn đấy. Hãy cùng chúng tớ khám phá các bạn nhé!
Kiểm tra bài mới
Nghe có vẻ hơi lạ kì nhưng cô Thư, dạy Vật lí trường THPT NTMK lại thực hiện hình thức kiểm tra ấy trong suốt hai năm dạy bọn tớ đấy. Bài cũ sẽ được cô ôn tập, kiểm tra nhanh vào cuối giờ để củng cố, ghi nhớ, khắc sâu kiến thức; còn bài mới sắp được học sẽ được cô dùng để lấy điểm miệng vào đầu buổi học sau. Cô bảo: "Thực hiện hình thức kiểm tra như vậy thì học sinh trước buổi học mới chịu đọc qua sách giáo khoa. Khi đã hình dung được khối lượng kiến thức mình sắp tiếp thu như thế nào thì tất nhiên kiến thức vào đầu sẽ dễ hơn là việc bạn ngồi nghe một cách mông lung, chẳng biết chúng đang hướng tới điều gì cả."
Thế là trong khi tụi lớp khác ôn bài cũ thì chúng tớ chăm chú vào học nội dung bài mới trước ở nhà. Đầu giờ, nếu cô giáo hỏi bài mới có bao nhiêu đề mục, bao nhiêu định lí và những định lí đó được chứng minh ra sao thì bọn tớ còn biết đường mà trả lời. Tất nhiên, kiểm tra kiểu này thì sẽ hơi vất vả một tẹo nhưng mà lớp tớ học hành tiến bộ hơn hẳn đấy. Vả lại cô cũng bảo đây là một cách rèn luyện cho chúng tớ phương pháp học tập ở bậc đại học sau này. Sinh viên phải đọc qua bài mới trước ở nhà thì đến lớp mới có thể hiểu được bởi khối lượng kiến thức và tốc độ giảng dạy của giảng viên trong một buổi học là rất lớn.
Học sinh chúng mình cứ thích bị "dụ ngọt" thôi. (Ảnh minh họa)
Lớp học là nhà hát kịch
Minh Khang còn nhớ mãi ý tưởng này của cô giáo dạy Ngữ văn năm lớp 8. Đợt học tác phẩm “Tắt đèn” – cô cho cả lớp diễn lại trích đoạn “Một cảnh mua bán”. Thanh “béo” lớp tớ nhanh mồm lẹ miệng nên được cô cho vào vai bà Nghị. Tuấn Anh thì vào vai ông Nghị còn Thùy Anh "gầy còm" thì vào vai chị Dậu. Chẳng biết cô mượn đâu được một chiếc nón cũ cùng cái áo rách bươm, và lớp học hôm ấy trở thành nhà hát, giờ học trở thành một giờ diễn kịch. Cả lớp chú ý theo dõi từng cử chỉ, điệu bộ, lời nói của nhân vật. Nhờ đó, tư tưởng chủ đề của tác phẩm được chuyển tải tới chúng tớ một cách rất tự nhiên, bằng một hình thức rất thú vị. Hôm học tác phẩm “Lão Hạc” cũng vậy, cảnh bán chó đầy xúc động đã khiến đứa nào lớp tớ cũng phải rưng rưng nước mắt. Đặc biệt hơn, tất cả những vở diễn này đều do cô giáo dạy Văn bọn tớ làm đạo diễn. Nhờ hình thức này, chẳng đứa nào lớp tớ còn sợ môn Văn nữa cả.
"Dụ dỗ"
“Chiêu” này là của cô giáo dạy Sử lớp 11B9 trường THPT BTX. Cứ tưởng đám học trò “nhớn” rồi nên chẳng thầy cô nào đi dỗ dành cái bọn lớn đầu to xác ấy cả. Chỉ có cô dạy Sử là hiểu trúng phóc tâm lí tuổi mới lớn. Cô biết đứa nào cũng rất ớn Lịch sử - môn học với những mớ lí thuyết dài ngoằn, toàn số liệu với sự kiện; thế nên cô “dụ” bọn tớ rằng: “Học đi các em, cuối kì thi ai đạt điểm cao, cô dẫn đi tham quan Bảo tàng với các di tích lịch sử”. Được đi chơi, nhất là lại cùng với cô và có cô làm hướng dẫn viên thì đứa nào mà chẳng thích thú. Nhờ “chiêu độc” này mà cả cái thằng "lười chảy thây" như tớ (trích nguyên văn lời cô) cũng chăm chỉ học Sử để còn được “bám càng” cùng cô đi tham quan đấy các ấy ạ!
Kết
Các ấythấy đấy, để teen mình chăm chỉ học hành thì đâu phải là chỉ có một cách là “ép buộc” nhỉ? Các ấy thấy “độc chiêu” của thầy cô mình thế nào? Lí do để các thầy cô “xuất chiêu” thì hết sức ý nghĩa. Tất cả những gì thầy cô làm là vì sự nghiệp học hành gian nan của chúng mình đấy các bạn ạ. Khám phá được những “độc chiêu” thú vị này, chúng mình sẽ hiểu được những trái tim, tình cảm, lòng yêu nghề của thầy cô chúng mình, phải không bạn? Hãy cố gắng học thật tốt để không phụ công sức và lòng mong mỏi của thầy cô, các bạn nhé!
Các tin khác
Chân trời mới (23/12/2011)
Gặp Hạnh Nga - Amser nhận học bổng Harvard (27/07/2011)
"Giới trẻ ngày nay còn yêu Sử hơn xưa!" (07/08/2011)
Không khí thi vào lớp 6 (17/06/2011)
Bài thơ: ÁO TRẮNG HỌC TRÒ (04/09/2011)
Nhọc nhằn cha mẹ chờ con đi thi (22/06/2011)
Tản mạn về số chính phương (28/12/2011)