Hội thảo CIO 2012 tôn vinh 16 CIO ASEAN xuất sắc nhất
Trong danh sách 16 Lãnh đạo CNTT xuất sắc nhất khu vực, Việt Nam áp đảo với 10 giải.
Ông Lê Thanh Tâm phát biểu tại Hội thảo CIO 2012
Ban tổ chức CIO ASEAN Awards 2012 cho biết sau 8 tháng khởi động, Việt Nam cũng là quốc gia có nhiều đề cử nhất với 50 đề cử/ứng cử. Tiếp sau là Campuchia (8 đề cử/ ứng cử), Thái Lan (8 đề cử/ ứng cử), Singapore (6 đề cử/ ứng cử), Indonesia (5 đề cử/ ứng cử) , Malaysia (6 đề cử/ ứng cử) và các nước Philippines, Brunei, Lào mỗi nước 1 đề cử/ứng cử.
Các ứng viên tham gia CIO ASEAN Awards năm nay được chia thành 2 khối: khối Nhà nước và khối Doanh nghiệp, trong đó từng khối cũng được chia ra thành các nhóm ngành khác nhau. Khối nhà nước bao gồm trung ương và địa phương, khối doanh nghiệp được chia ra làm 7 nhóm ngành chính: Ngân hàng, Tài chính, Bảo hiểm; CNTT và Truyền thông; Y tế, Giáo dục/Đào tạo, Nghiên cứu và Triển khai; Dịch vụ, Thương mại; Sản xuất, Vận tải, Hậu cần, Năng lượng; Nông, Lâm, Ngư nghiệp; Nhóm ngành khác…
Phát biểu tại Hội thảo CIO 2012 diễn ra sáng nay với chủ đề: Phát triển Công nghệ Dịch vụ trên Hạ tầng hiện tại, ông Lê Thanh Tâm, Tổng Giám đốc IDG Đông Dương cho biết giải thưởng năm nay đề cao tầm nhìn chiến lược, năng lực tổ chức, lãnh đạo, đổi mới, sáng tạo của cá nhân CIO, nhấn mạnh tính đột phá, sáng tạo của dự án CNTT mà CIO đã triển khai thành công, trong đó kết quả triển khai dự án sẽ đặc biệt được chú trọng.
Cũng trong Hội thảo, ban tổ chức đã công bố nhiều số liệu đáng nói về Chính phủ điện tử tại Việt Nam. Theo báo cáo của Liên hợp quốc năm 2012, Việt Nam đã tăng được 7 bậc, từ vị trí số 90 lên 83 thế giới về Chính phủ Điện tử. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam hiện chỉ xếp sau Singapore, Malaysia và Brunei, đứng trên các quốc gia khác như Thái Lan, Indonesisa, Phillipines, Lào và Campuchia.
Tuy nhiên, một số chỉ tiêu của Việt Nam vẫn bị đánh giá rất thấp, chẳng hạn như về quy trình thể chế, về e-participation (sự tham gia của xã hội với chính phủ điện tử)... đạt số điểm gần như bằng 0. Nguồn lực tài chính bị cho là đầu tư chưa đúng và chưa trúng, trong khi nguồn lực con người vừa thiếu, vừa yếu. Sự gắn kết giữa các cơ quan nhà nước lỏng lẻo, thiếu đồng bộ cũng là một trong nhiều nguyên nhân khiến Chính phủ điện tử tại Việt Nam chưa thể bứt phá như kỳ vọng.
Lê Đức Thuận (Theo Vietnamnet)