GS Bảo Châu: 'Cha mẹ gương mẫu, ắt hẳn con cái sẽ trưởng thành'
Cũng theo giáo sư, con người sinh ra có ba bản năng: Sinh tồn, duy trì nòi giống và hướng thiện.
Trong buổi nói chuyện với sinh viên tại Trường ĐH Bách khoa Hà Nội vào chiều ngày 13/3, GS Ngô Bảo Châu đã có những chia sẻ vô cùng hữu ích về nhân cách của con người.
Cha mẹ, thầy cô phải làm gương cho giới trẻ
Mở đầu buổi nói chuyện, GS Ngô Bảo Châu chia sẻ về bản chất của con người là tính bản thiện, hay tính bản ác? Người xưa vẫn có câu “Nhân tri sơ tính bản thiện”. Tuy nhiên bằng kinh nghiệm của bản thân, GS Châu phân tích thêm con người ngay từ khi sinh ra đã có bản năng nổi bật đó là bản năng sinh tồn và duy trì nòi giống. Mọi đứa trẻ khi sinh ra, khi còn bé đều là những thiên thần nên bản năng đặc biệt quan trọng của con người chính là hướng thiện, cao thượng.
Bản năng này được con người phát triển trong quá trình học tập và mơ ước sau này có thể xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều này là rất chính đáng. Tuy nhiên hiện nay xã hội không hiếm những quan niệm phiến diện khiến cho bản năng hướng thiện của con người bị lệch lạc, dẫn đến nhiều việc tiêu cực. Con người khi phải vật lộn với đủ thứ cạm bẫy, thử thách của cuộc sống thì có thể bị chao đảo, sa ngã.
GS Ngô Bảo Châu đã có một buổi chia sẻ rất thú vị với các bạn sinh viên tại trường ĐH Bách Khoa HN
Một vấn đề khác mà GS quan tâm đó là có nhiều ý kiến trái chiều về việc nhà trường cần hướng cho các bạn trẻ cách học chữ hay học kĩ năng sống? Đứng trước những phân vân đó, GS đã phân tích chức năng của nhà trường là mở rộng thế giới cho học sinh. Nếu không có kiến thức thì con người làm sao hiểu được thế giới xung quanh, do đó cũng cần trang bị kiến thức sâu rộng giới trẻ. Khi học về thế giới thì con người sẽ có cách nhìn nhận phong phú, triển khai và hoàn thiện mình hơn để có một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Còn về kĩ năng, theo ý kiến của GS thì học từ chính những người lớn. Cha mẹ, người lớn sống tốt thì ắt giới trẻ cũng theo đó mà phát triển lành mạnh hơn. Ông đã rất hóm hỉnh đưa ra một ví dụ về cậu bé người sói. Ông nói: “Khi cậu bị lạc vào giữa bầy sói, hàng ngày được uống sữa, được ngủ trong lòng sói thì tất nhiên khi lớn lên cậu bé đó sẽ được thừa hưởng những tính cách của con sói. Cậu sẽ vẫn sống tốt với những đặc tính của loài sói, nhưng tai họa ập đến khi người ta bắt cậu sống trở lại làm người. Điều này thực sự khó khăn.
Hay như ở Lào, Thái Lan người ta hay đưa những em bé vào chùa ở 3 ngày, 3 tuần hay 3 tháng để học cái cốt cách, cách ăn ở của nhà Phật. Chính vì thế tôi vô cùng ngạc nhiên khi đất nước họ thường nề nếp, sạch sẽ và nhân ái.
Ví dụ như vợ chồng tôi không mấy khi xem ti vi nên mấy đứa con cũng thế. Chúng tôi thường hay đọc sách hơn. Những khi tôi muốn xem phim cùng các con là phải “mặc cả” với chúng”.
Ngoài ra thầy cô cũng chính là những thần tượng thực sự trong lòng những đứa trẻ khi chúng mới bắt đầu đi học. Đôi khi hình ảnh và sự tác động của thầy cô vào tâm hồn của trẻ còn sâu sắc hơn bố mẹ rất nhiều. Nên để dạy kĩ năng sống đúng đắn cho con trẻ cần kết hợp hai phía cha mẹ và thầy cô sống gương mẫu, chuẩn mực.
Theo GS, để dạy kĩ năng sống đúng đắn cho giới trẻ, người lớn cần phải sống gương mẫu, chuẩn mực
Khó nhất là hoàn thiện nhân cách
Tuy nhiên, theo GS Châu, học để hình thành cốt cách của con người mới là cái khó nhất. “Khi còn nhỏ trẻ chỉ biết sinh tồn của bản thân mình, đó là lẽ dễ hiểu. Nhưng khi chúng lớn lên, chúng cần phải hiểu được rằng không chỉ mình đứa trẻ đó sinh tồn mà còn rất nhiều người xung quanh cũng sinh tồn. Thời kì này bắt đầu hình thành nên thiện và ác. Những ai biết hạnh phúc khi người khác hạnh phúc và mang lại niềm vui, sự sinh tồn cho người khác thì sẽ là người thiện, còn ai sung sướng trước những nỗi đau của người khác, vùi dập sự sinh tồn của đồng loại thì họ đã tiềm ẩn rất nhiều yếu tố của cái ác” - GS Châu chia sẻ.
Đồng thời, GS cũng chỉ ra một yếu tố không kém phần quan trọng trong việc hoàn thiện nhân cách con người đó chính là những trải nghiệm thực tế. GS cho biết: “Các bạn đừng nghĩ rằng khi các bạn đi qua những trải nghiệm là đã đủ vì những trải nghiệm khi còn quá trẻ sẽ không phong phú, non nớt để các bạn có thể vững vàng. Các bạn nên tìm hiểu về quá khứ, khám phá thế giới để mở rộng sự hiểu biết của mình. Đi khám phá cái mới nhưng cần phải dựa trên nền móng quá khứ. Đó là một quá trình cô đơn và cần nhiều lắm sự quả cảm của các bạn trẻ.
Trải nghiệm từ thực tế dù có đau đớn, vật vã thì cũng sẽ giúp các bạn trẻ phát triển hơn, giúp con người tìm được sự chân thực. Giáo dục nhân văn trước tiên phải giáo dục cho các bạn trẻ biết các chiêm nghiệm bằng thực tế là cần thiết như thế. Nó giúp chúng ta vượt qua những dối trá, ích kỉ và hèn nhát".
Lê Đức Thuận
(Theo Tiin)