The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cô Nguyễn Thị Kim Dung - “người mẹ thứ hai” của chúng tôi

Post by: webams | 18/11/2019 | 3731 reads

Mặc dù tôi mới theo học với cô khoảng hơn ba tháng, tôi đã bị ấn tượng bởi cách cô dạy dỗ, truyền đạt cho học sinh về cả kiến thức lẫn về cách làm người. Vì vậy tôi coi cô là “người mẹ thứ hai “ của mình. Sau đây, tôi sẽ kể cho các bạn nghe về người giáo viên chủ nhiệm mà chúng tôi vô cùng yêu quý, kính trọng.

 Cô Nguyễn Thị Kim Dung

PV: Thưa cô, cô có thể kể hành trình đưa cô trở thành giáo viên dạy Sử không ạ?

Khi thi vào khối Xã hội trường Sư phạm, cô đã đạt điểm Sử cao nhất, nên được xếp luôn vào khoa Sử. Lúc đầu, cô cũng không thích môn này, nhưng dần dần, cô thấy thích và yêu môn Sử nên cô quyết định trở thành giáo viên dạy Sử luôn. Có thể nói nghề chọn người, con ạ. Nếu như đúng như lựa chọn thì cô sẽ thành giáo viên dạy Văn, nhưng nó là cái duyên khi cô đi theo môn Sử và cô cảm thấy may mắn và hạnh phúc vì đã trở thành giáo viên dạy Sử.

PV: Cô là một giáo viên dạy Sử thì cô muốn truyền tải gì ngoài kiến thức Lịch sử ạ?

‘’Lịch sử là cô giáo của cuộc sống” khi mà ta học Sử, ngoài việc hiểu về kiến thức thì giúp ta nhận ra rất nhiều điều có thể áp dụng trong cuộc sống. Những bài học của Lịch sử có thể giúp ta hiểu được quy luật vận động của cuộc sống cho nên Lịch sử khác hẳn các môn học khác. Dần dần qua một thời gian học, cô nhận ra rằng những kinh nghiệm của môn Sử có thể áp dụng vào cuộc sống. Vì vậy, ngoài việc dạy kiến thức, cô còn dạy cho các học sinh của mình về đạo làm người, lễ nghĩa, về cách cư xử trong cuộc sống, như các cụ đã nói “Tiên học lễ, hậu học văn”. Cô muốn giúp các con trở thành con người hoàn thiện về cả nhân cách lẫn trí tuệ, trở thành con người có ích cho xã hội và đúng với những chuẩn mực của một Amser.

PV: Thưa cô, nhiều bạn bây giờ cho rằng môn Sử là môn tẻ nhạt, nhàm chán, chỉ là môn học thuộc. Cô nhận xét như thế nào về ý kiến này và cô đã làm gì để đổi mới cách dạy ?

Cô cho rằng môn Sử rất hay và thú vị , nó không nhàm chán mà do chính cách nó được truyền tải mới là nguyên nhân khiến học sinh nghĩ như vậy . Ngoài ra còn do áp lực của các kỳ thi bắt buộc các em phải học thuộc. Sử cũng đòi hỏi các em phải nắm chắc mức độ nhận biết, thông hiểu rồi mới vận dụng, phân tích được. Cô đã tiến hành đổi mới cách dạy cho phù hợp với tâm lý học sinh như tiến hành cho các em tự tìm hiểu về vấn đề , nhân vật, sự kiện lịch sử, rồi đến lớp làm thuyết trình, từ đó thay vì cô dạy mà là các em tự học và tự hiểu lẫn nhau, tự đánh giá được kinh nghiệm, bài học từ vấn đề đó. Rồi cô đặt các vấn đề liên quan tới lịch sử, cho các em tự tranh luận, phản biện rồi cuối cùng đưa ra kết luận. Không chỉ vậy , cô còn cho các em xem các bài hát, bộ phim lịch sử nổi tiếng như Trân Châu Cảng, Casablanca, … Bởi hơn hết, cô mong muốn học trò của mình được học và hiểu môn Lịch sử một cách dễ dàng, hiệu quả nhất, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân để áp dụng vào thực tế.

PV: Thưa cô, món quà ý nghĩa mà cô từng nhận được từ học sinh của mình vào ngày 20/11 là gì? Cô có thể kể lại được không ạ?

Cô từng là giáo viên chủ nhiệm của nhiều thế hệ Amser, cô cũng nhận được rất nhiều lần tổ chức kỉ niệm, nhiều món quà bất ngờ từ các anh chị học sinh vào ngày 20/11. Nhưng trong sự nghiệp nhà giáo của mình , cô cảm thấy xúc động và ý nghĩa nhất chính là khi mà những đứa học trò gọi cô là “ Mẹ ơi”. Những anh chị khóa trước, có những vấn đề trong cuộc sống. Khi đó, cô đã chia sẻ để tháo gỡ các khúc mắc. Các anh chị rất quý cô và còn gọi cô bằng "Mẹ”, rất là tự nhiên, rất chân thật. Cô cảm thấy đó là món quà ý nghĩa nhất đối với cô khi mà giúp đỡ được học sinh và được học sinh tin yêu. Hay là ở khóa trước, khi chụp ảnh tập thể cả lớp, luôn có mấy anh tranh nhau được đứng bên cạnh cô. Đấy, bằng những việc nhỏ như vậy mà cô ngày càng cảm thấy hạnh phúc và ý nghĩa khi làm nghề “trồng người".

PV: Sắp đến ngày 20/11, món quà mà cô mong đợi nhất từ lớp 10 Sử khóa 1922 là gì ạ ?

Thực ra, cô mong đợi và cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc nhất khi lớp 10 Sử các bạn biết yêu thương nhau như anh em trong nhà , đoàn kết, giúp đỡ nhau, bảo ban nhau học hành, ngoan ngoãn, nghe lời ông bà, cha mẹ, thầy cô thì cô đã cảm thấy rất vui rồi chứ không cần phải cái gì nó cao xa quá cả. Lớp cứ vui vẻ, chăm ngoan, học giỏi thì cô cảm thấy hạnh phúc lắm rồi.

PV: Em cảm ơn cô đã tham gia buổi phỏng vấn ngày hôm nay. Buổi phỏng vấn này đã giúp em hiểu cô nhiều hơn và nhân dịp 20/11 sắp tới, em chúc cô ngày càng mạnh khỏe, hạnh phúc, tràn đầy niềm và thành công trong sự nghiệp “trồng người”. Chúc cô cùng lớp 10 Sử 1922 có một năm học thành công rực rỡ, tràn đầy niềm vui. Lớp 10 Sử 1922 sẽ luôn hết lòng yêu quý cô và sẵn sàng đem lại 3 năm làm giáo viên chủ nhiệm của cô tràn đầy hạnh phúc!

                                                                        PV: Nguyễn Tùng Dương - Sử 1922