The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Cô giáo Đặng Ngọc Phương – một Nhà giáo đặc biệt!

Post by: webams | 18/11/2018 | 12523 reads

Vậy là chỉ còn vài ngày nữa học sinh trên cả nước nói chung và học sinh trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam nói riêng sẽ cùng nô nức đón mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Nhân dịp đặc biệt này, hãy cùng lắng nghe những lời chia sẻ rất sâu sắc từ một người đặc biệt – cô giáo Đặng Ngọc Phương – cựu Amser và hiện nay là giáo viên đang giảng dạy môn Ngữ Văn tại chính ngôi trường chuyên này. Cùng theo chân chúng tôi để cùng cảm nhận những tình cảm chưa bao giờ được thổ lộ của cô giáo Đặng Ngọc Phương nhé!

PV: Thưa cô, được biết cô là một cựu học sinh của trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam khóa 1993 - 1997 1997 - 2000, nay được trở về làm việc tại chính ngôi trường này, cô nhận thấy sự khác biệt gì của học sinh nói chung và của chính các thế hệ Amser thời xưa và nay?

Cô Ngọc Phương: Cảm ơn em về câu hỏi. Đó thực sự là điều cô luôn nghĩ, luôn cảm thấy từng ngày. Học trò thời nào cũng hồn nhiên, nghịch ngợm, đáng yêu, và học trò Ams thì luôn chất”, thông minh và vô cùng năng động. Nhưng sự thay đổi của thời đại đương nhiên cũng đem lại những đổi thay của học trò. Khác biệt thì nhiều, nhưng cô hay nghĩ hơn cả là về điều này: Ở thời xa vắng của mình, cuộc sống bình yên hơn, giản dị hơn, nên học trò cũng trong trẻo và mộc mạc hơn, dù không kém phần suy tư sâu sắc. Cuộc sống hôm nay lại đầy ba động, thách thức. Các em được mở mang tầm mắt, biết nhiều, hiểu sớm, thụ hưởng nhiều thành tựu và đón nhận nhiều cơ hội, nhưng cũng vì thế mà cái trong trẻo, vô tư giảm sút, cái lo toan, áp lực tăng lên. Thời đại, gia đình đặt lên vai các em nhiều kì vọng, tuổi thơ các em ngắn hơn. Có lẽ vì vậy mà nội tâm chưa kịp lớn dễ khiến các em trở nên mong manh trong cảm xúc hoặc non nớt trong ứng xử. Đó là điều khiến cô luôn suy nghĩ và tự nhủ phải đồng hành với học trò của mình để chia sẻ, giúp đỡ các em.

 

Cô giáo Ngọc Phương bên học trò của mình

PV: Vậy cô cảm nhận như thế nào về những giá trị mà ngôi trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam đã mang lại cho mình trong suốt những năm tháng được rèn luyện và học tập dưới mái trường?

Cô Ngọc Phương: Ams là một ngôi trường ưu tú, may mắn của cô là được đồng hành với những người bạn ưu tú và được dạy bảo bởi những thầy cô ưu tú, không chỉ giỏi nghề mà còn rất tận tụy với học sinh. Những gì tốt đẹp nhất mà cô có, ngoài nguồn cội từ gia đình, thì đó chính là từ ngôi trường đặc biệt này. Ở đây cô học được cách học tập, cách làm việc, cách sống. Cô không bao giờ cho rằng mình là một học sinh nổi bật, tài giỏi của Ams, nhưng cô chắc chắn là một con người mang dấu ấn giáo dục nhân văn của trường mình: luôn tin vào những giá trị tốt đẹp và chân thực, luôn nỗ lực để hình thành và chia sẻ những giá trị đó. Quan niệm sống ấy kết tinh từ những trang sách cô đọc trong 7 năm học chuyên Văn ở Ams và được soi rọi từ chính những người thầy, người cô đã lần lượt đưa cô đi qua thời học trò, nên nó thực tế và bền vững. Bây giờ khi làm thầy, cô thú nhận rằng mình cũng gặp khó khăn và cả muộn phiền bởi nhận thấy khoảng cách lớn giữa lí tưởng và thực tế, bởi khó lòng đem lại cho học sinh một niềm tin trong trẻo giữa cuộc đời phức tạp, khó thuyết phục học sinh bản lĩnh để chống lại những cám dỗ, cạm bẫy vây quanh các em. Thế nhưng cô nghĩ: phải luôn tin tưởng, luôn làm việc, luôn bắt đầu bằng những việc tốt thực tế, dù nhỏ bé. Chẳng phải mỗi hành trình đều bắt đầu từ những bước chân sao?

 

Trường THPT Chuyên Hà Nội – Amsterdam cũ – nơi mà cô giáo Ngọc Phương đã theo học

PV: Cô có thể chia sẻ đôi chút lí do vì sao sau khi trở thành một người làm nghề giáo, cô lại mong muốn tiếp tục được làm việc và giảng dạy tại chính ngôi trường mình đã theo học? 

Cô Ngọc Phương: Slogan của trường Ams mình là “Nơi khởi đầu của những ước mơ”. Cô trưởng thành từ Ams và cũng có nhiều cơ hội tốt hơn, những chân trời xa hơn. Nhưng có người đi để bay cao mãi, cũng có người đi rồi lại tìm về nơi mình xuất phát để thấy sự bình yên, để nhân lên và trao tặng những gì mình được nhận. Cô nghĩ điều đó cũng tự nhiên như một vòng tuần hoàn không ngừng của sự sống thôi.  Với cô thì Ams là nhà. Bảy năm với Ams quá sâu đậm, nên sự trở về, dù ban đầu không phải lựa chọn thứ nhất, nhưng cuối cùng, lại là lựa chọn đúng nhất. Và càng ngày cô càng cảm thấy rõ điều đó. Cô biết ơn những người thầy – những người đồng nghiệp lớn ngày ấy đã tạo điều kiện tốt nhất để cô quay lại cống hiến cho trường mình và dìu dắt cô trong những tháng năm đầu vào nghề bằng tất cả lòng nhân hậu. Em biết không? Cảm giác khi nghĩ Ams là quá khứ, Ams là tương lai, cảm giác thân thiết với cả trường cũ Nam Cao lẫn trường mới Hoàng Minh Giám mà không hề có khoảng đứt nối lịch sử, cảm giác ấy thật sự rất ấm áp, an toàn và tuyệt vời nữa. Thậm chí cô mơ ước, các con cô sau này cũng đủ năng lực để được đón nhận và gắn bó với Ams, để cũng có được cảm giác của cô bây giờ về một bến đỗ bình yên trong tâm hồn. “Once Amser, forever Amser” chính là điều tuyệt vời nhất! 

 

Cô luôn cảm thấy hạnh phúc khi được làm việc tại chính ngôi trường mình từng theo học

PV: Cô cảm nhận về ngày Nhà giáo 20/11 khi đã trở thành một nhà giáo khác biệt như thế nào so với khi còn là một học sinh ngồi trên ghế nhà trường? 

Cô Ngọc Phương: Nghề giáo có một may mắn là được xã hội trân trọng, và quan trọng hơn, là luôn có những yêu thương chân thành từ chính những đứa trẻ mình đã và đang dạy dỗ. Cảm xúc 20/11 với cô ngày còn đi học là náo nức và biết ơn. Nhưng cách thể hiện tình cảm của học trò đối với thầy cô ngày ấy thì rất mộc mạc. Kỉ niệm dễ thương nhất về 20/11 thời còn đi học của cô chắc là lần cô cùng mấy bạn thân rủ nhau đến thăm thầy chủ nhiệm lớp 7 – thầy Ngô Mạnh Phú. Món quà mà cô đã “lao tâm khổ tứ” suy nghĩ ý tưởng, tự tay chọn mua bằng tiền của mình và rụt rè tặng thầy giáo là … một cuốn sổ bìa cứng đóng giấy thếp. Bây giờ, mỗi dịp 20/11, cô được nhận rất nhiều hoa và lời chúc từ phụ huynh, học sinh đã hoặc đang theo học. Có những học sinh du học ở xa nhắn tin về. Có những “biệt đội nam thần” rụt rè ngoài cửa lớp giờ ra chơi để tặng hoa. Có những học sinh đã ở tuổi lập gia đình vẫn tới thăm cô và hàn huyên đến tận khuya. Những khoảnh khắc ấy thật ấm áp, khiến mình tự cảm thấy những gì đã làm là chưa đủ, khiến những vất vả, buồn phiền đã từng nếm trải của nghề cũng trở nên đáng giá. Cô thầm biết ơn cuộc sống, biết ơn nghề đã chọn mình, để mỗi ngày cô được vui buồn cùng học sinh, được nhìn các em trưởng thành, được biết rằng mình là một phần dù rất nhỏ trên con đường của các em, và để ngày Nhà giáo Việt Nam của cô luôn đầy ắp những yêu thương và kỉ niệm đẹp!

 

Cô Ngọc Phương bên những thầy cô giáo đã dìu dắt mình trong ngày lễ kỉ niệm 20/11

PV: Em cảm ơn cô vì đã chia sẻ một cách đẹp nhất những tình cảm thuần khiết mà cô đã dành tặng cho những người thầy, người cô – những người Nhà giáo, hay là sự yêu thương mà cô dành cho học sinh. Cảm ơn cô vì đã tiếp tục chọn mái trường THPT Hà Nội – Amsterdam để trở về, để gắn bó. Một lần nữa, em xin cảm ơn cô đã tham gia cuộc phỏng vấn của chúng em!

Vậy là Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 đang đến rất gần, chúc các thầy, các cô luôn có nhiều sức khỏe, hạnh phúc và thành công trong sự nghiệp trồng người!

PV: Hoàng Lê Như – Văn 1821

Ảnh: Sưu tầm