The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Có những người mẹ không đứng trên bục giảng…

Post by: webams | 05/03/2019 | 2805 reads

Nếu từng lớn lên và trưởng thành từ mái nhà Ams 2, có lẽ cô cậu học trò nào cũng không thể quên được những giờ bán trú tại trường. Sau mỗi buổi học căng thẳng, những học sinh đang theo học Cấp 2 Trường THPT Chuyên Hà Nội - Amsterdam lại được thoải mái ăn uống và nghỉ ngơi ngay tại trường cùng với bạn bè của mình. Bán trú chính là một "đặc sản" không thể thiếu của Ams 2, trở thành khoảng thời gian vô tư và dễ chịu nhất trong ngày để học sinh khối 6, khối 7 được thoả sức đùa vui bên bạn bè yêu dấu. Nhớ lại những giây phút thoải mái ấy nhắc cho mỗi học trò Ams 2 không bao giờ quên được bóng dáng của các cô, các bác phụ trách bán trú - những người phụ nữ cống hiến thầm lặng ngày này qua tháng khác, những người mẹ góp phần xây dựng nên ngôi nhà chung Ams 2 trọn vẹn. Tháng ba có ngày mùng 8 mang theo yêu thương đong đầy, tháng ba xin hãy dừng chân lại đây, dành nhiều thật nhiều tình cảm cho những người mẹ ấy.

Còn nhớ ngày xưa thơ bé, nhớ những giờ ăn trưa, ban đầu bỡ ngỡ bạn bè nhìn nhau gượng gạo, nhờ các cô, các bác ân cần chỉ dẫn, xếp chỗ, giới thiệu... mà đám trẻ chúng tôi mới thân quen hơn, tình cảm bạn bè gắn bó thân thương từ ấy mà nảy nở. Các cô, các bác đã trở thành cầu nối đầu tiên giúp chúng tôi hòa nhập, là người chỉ dẫn ân cần dìu dắt chúng tôi ngoài những giờ lên lớp.

Ân cần nhắc nhở chúng con

Quản lý một đám trẻ hiếu động chẳng dễ dàng gì. Ấy thế nhưng những người phụ nữ mà chúng tôi thân thương gọi là “cô trông trưa, bác trông trưa” vẫn ngày ngày âm thầm chịu đựng, quán xuyến mọi việc liên quan đến bữa ăn, giấc ngủ của chúng tôi. Dù có những khi bị các cô, các bác mắng, bị phạt đứng góc lớp hay thậm chí là báo lại với cô giáo chủ nhiệm vì có bạn này bạn kia bỏ bữa hay vì quá nghịch ngợm rồi không chịu ngủ trưa, chẳng có đứa nào ghét các cô, các bác được cả, vì ai cũng hiểu rằng họ làm thế để tốt cho chúng tôi, dẫu rằng sau đó chúng tôi vẫn chứng nào tật nấy, nghịch ngợm đến mức từng bị gọi là “đám nặc nô”. Những kỉ niệm bé nhỏ nhưng tràn đầy niềm vui ấy, tôi tin rằng chúng chẳng dễ gì phai mờ trong tâm trí các bạn từng học bán trú tại Ams 2, một phần vì chúng gắn liền với những người phụ nữ chúng tôi luôn tôn trọng, yêu quý và biết ơn.

Ở nhà chúng tôi có mẹ, ở Ams 2 chúng tôi có các cô, các bác trông trưa.

Lo cho chúng con từ những điều nhỏ nhặt nhất

Lớn lên mới thấm thía câu nói "Nhất tự vi sư, bán tự vi sư". Dạy mình nửa chữ cũng là thầy rồi, và tôi thì hoàn toàn đồng ý. Các cô, các bác dạy cho chúng tôi biết thế nào là kỉ luật cá nhân, kỉ luật cộng đồng, nghiêm khắc nhắc chúng tôi về tính tự giác, luôn phải biết tôn trọng quy định chung, và hơn hết nữa, ai cũng mong muốn chúng tôi phải biết tự chăm sóc bản thân mình. Ăn đúng giờ, đủ chất đảm bảo cho sức khoẻ được dẻo dai, ngủ đúng giấc sẽ "hồi sinh" năng lượng để phục vụ cho một buổi học đầy hứng khởi,... Đâu chỉ là "nửa chữ", các cô, các bác tự bao giờ đã trở thành người thầy mà chúng tôi luôn thương mến, cũng trở thành người bạn tâm tình để đám trò chúng tôi cùng "trút bầu tâm sự". Năm tháng trôi theo những giấc mơ trưa ngắn ngủi, lời dặn dò thủ thỉ của các cô, các bác cứ ngấm dần và trở thành hành trang thiết yếu nâng bước chúng tôi trên con đường vươn tới tương lai.

Nhân ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3, con xin gửi tới các cô, các bác lòng biết ơn và lời cảm ơn chân thành nhất. Chúc các cô, các bác luôn dồi dào sức khỏe và hạnh phúc trong cuộc sống.

PV: Trần Kiều Anh - Sử 17-20