The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

“Bác sĩ Amser” – kết nối tình thầy trò

Post by: anhph | 20/11/2016 | 5732 reads

Những "thiên thần áo trắng" của ngôi trường Hà Nội - Amsterdam (Amser) ngày nào còn lên bảng trả bài, bây giờ quay về khám sức khỏe cho những người đã dạy mình khiến cho cả thầy lẫn trò đều rưng rưng xúc động.  

Bệnh viện “dã chiến” tại trường

Chương trình “Bác sỹ Amser chăm sóc sức khỏe Thầy Cô” diễn ra ngày 12/11 tại trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với một sứ mệnh giản dị là cộng đồng cựu học sinh quay trở về được tri ân, chăm sóc sức khỏe cho thầy cô.

Gần 30 học trò Amser nay đã thành bác sĩ công tác tại các bệnh viện lớn, thuộc các chuyên khoa như tim mạch, xương khớp, nội tiết và bệnh chuyển hóa, tiết niệu, nhãn khoa, sản phụ khoa, dinh dưỡng và một số chuyên khoa khác như huyết học, tai mũi họng và răng hàm mặt đã tề tựu về lại trường.

Các “bác sĩ học trò” háo hức, ân cần thăm khám, tư vấn sức khỏe cho thầy cô mình cho đến hỏi thăm, bắt bệnh từ bác bảo vệ, cô lao công đến cả những thầy cô dù chỉ dạy ở trường một thời gian ngắn.  

Buổi thăm khám đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, từ máy đo thị lực, máy siêu âm, điện tim đồ, thử máu, thử tiểu đường… được huy động giống như một “bệnh viện dã chiến”.

bac si amser ket noi tinh thay tro
Những "bác sĩ Amser"  tề tựu về trường cũ để thăm khám, chăm sóc sức khỏe cho thầy cô giáo cũ. (Ảnh: Đoàn Bắc)

Để tổ chức được một buổi thăm khám sức khỏe thầy cô chu đáo như vậy, trước đó nửa năm ban tri ân (gồm 7 người) cứ âm thầm gặp người nọ, liên hệ với người kia. Mỗi người một việc, người lên chương trình, người giữ quỹ, người kết nối, người làm truyền thông, người phụ trách chung… Ban đầu khi đưa ra ý tưởng này, ban tri ân cũng gặp những khó khăn, rào cản nhất định vì các bác sĩ thường rất bận rộn, trùng lịch ca mổ, phải đi tập huấn ở nước ngoài.

Vất vả là thế nhưng mỗi khi đề cập đến, chị Nguyễn Diễm Anh (thành viên ban tri ân) đều xua tay: “Ai cũng làm việc trên tinh thần tự nguyện. Chỉ cần các thầy cô giáo khỏe mạnh, là chỗ dựa cho các thế hệ học trò nhỏ trong ngày về là vui rồi. Khi ra trường, chúng tôi rất biết ơn thầy cô vì đã cho học trò một môi trường giáo dục rất tự do, thoải mái, phát triển được cái tôi, được thể hiện cá tính của mình”.

Hơn 120 thầy cô đã đến với chương trình, mỗi người mang một tâm tình riêng. Không chỉ đến để được thăm khám, các thầy cô còn có mặt để hàn huyên, được ôn xưa kể cũ với học trò. Những kỷ niệm thời xưa ùa về, những câu chuyện hiện tại vui có, buồn có được chia sẻ khiến cho buổi khám bệnh trở thành nơi kết nối tình cảm thầy trò đầy xúc động, khoảng cách như xích lại gần nhau hơn.

Trong đoàn có những bác sĩ tốt nghiệp thế hệ đầu tiên của trường (đã gần 50 tuổi), bây giờ lại là giảng viên trường Đại học Y, cho đến các em vừa ra trường (ở tuổi 20). Chênh lệch nhau nhiều tuổi là thế nhưng mỗi người đều chung một nỗi niềm là được tri ân những người thầy của mình.

Cuộc gặp gỡ xúc động giữa thầy trò

Học trò khám bệnh cho thầy cô không đeo khẩu trang bác sĩ vì muốn được rủ rỉ nói chuyện một cách tự nhiên, thoải mái nhất. Thầy Vũ Xuân Túc (cựu giáo viên tổ văn) chia sẻ: “Tuổi già quý nhất là ở sức khỏe. Các em quá tận tình, quá chu đáo. Tôi cảm động vô cùng. Các thầy cô ra về như thấy mình được tiếp thêm rất nhiều sinh lực để tuổi già tràn trề ý nghĩa”.

Học trò cũ săn đón, hồi hộp chờ kết quả của từng thầy cô, đón thầy cô ở khu trà nước mà thầy trò mãi chẳng dứt được chuyện. Thầy cô cao tuổi còn được các "chăm sóc viên" mời dùng bữa sáng sau khi xét nghiệm máu và còn có cả quà mang về sau khi khám bệnh.

Điều đáng nói, mỗi người chỉ được học với khoảng 1/10 số thầy cô trong trường thôi nhưng ai cũng tâm niệm tất cả đều là thầy cô của mình. Sau khi khám xong, ban tri ân còn làm danh sách “hotline bác sĩ Amser” để thầy cô nếu gặp những bệnh nào thì liên lạc để được học trò khám và điều trị.

Không giấu được niềm xúc động, một cô giáo tâm sự: “Tôi thấy lòng ấm áp và chan chứa tự hào khi mình vừa được là học trò, vừa được là cô giáo trường Ams (viết tắt trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam - PV). Mong sao hoạt động tri ân thầy cô bằng cách chăm sóc sức khỏe sẽ trở thành một truyền thống của trường”.

bac si amser ket noi tinh thay tro
Những "bác sĩ học trò" đang ân cần thăm khám sức khỏe cho thầy cô. (Ảnh: Đoàn Bắc)

Thầy Lê Trọng Tuấn (Tổ chuyên môn Vật lý) cảm động bởi thế hệ học trò cũ không chỉ thăm khám sức khỏe mà còn cho thầy cô được gặp gỡ, hỏi thăm, chúc mừng nhau, mong thầy cô nào cũng khỏe, cũng hạnh phúc. “Sự nhiệt tình và chu đáo, cẩn thận của các em học sinh, sự tận tình chỉ dẫn và tác nghiệp của đội ngũ bác sĩ, y tế đã cho chúng tôi thêm yêu cuộc sống, thêm tin tưởng vào sức khỏe và tự tin đóng góp cho đời. Tôi muốn gửi lời cảm ơn các bậc phụ huynh đã sinh thành và nuôi dưỡng những cựu học sinh trường Hà Nội - Amsterdam - những nam thanh, nữ tú giỏi giang, tài năng, sống rất nhân hậu, đã cho chúng tôi cảm nhận được niềm tự hào, niềm kiêu hãnh khi được cùng gia đình dạy dỗ các em thành đạt như ngày hôm nay” – Thầy Tuấn xúc động nói.

Tại buổi khám bệnh cho thầy cô, một nam sinh bộc bạch: “Được nhìn thấy thầy cô đang dạy mình chăm sóc cho chính các thầy cô giáo cũ với em là một hình ảnh đẹp và xúc động vô cùng. Em được soi vào và thấy mình còn phải đóng góp nhiều hơn nữa, làm được nhiều điều ý nghĩa cho thầy cô của mình”.

Những "cô cậu học trò” ngày nào cùng trao đi yêu thương và nhận lại được rất nhiều cái bắt tay, cái ôm, những lời cảm ơn sâu sắc, những tiếng vỗ tay ngợi khen và trên hết đó là sự ấm áp được sẻ chia. Chị Nguyễn Diễm Anh nhắn nhủ: “Chúng tôi rất tự hào khi có thể tổ chức được buổi thăm khám xúc động như thế. Tôi nghĩ đó cũng là tiền đề để những thế hệ sau cùng nhìn vào và phát huy. Đây là hoạt động thực sự ý nghĩa, mang tính nhân văn cao, tính lan tỏa lớn và rất thực tế. Tôi rất bất ngờ khi ý tưởng được đưa ra thì các cựu học sinh trường Amser đều chuyển khoản ủng hộ để có kinh phí tổ chức hoạt động. Mong là trong tương lai chúng tôi sẽ làm được nhiều hoạt động ý nghĩa hơn như thế”.

 

Theo Yến Nguyệt (báo Quốc tế)