The service having id "buzz" is missing, reactivate its module or save again the list of services.

Kinh nghiệm đạt 8.5 IELTS của Amser lớp 11

Post by: webams | 05/02/2023 | 1003 reads

Vũ Phương Anh nói việc dùng tiếng Anh hàng ngày để trò chuyện với bạn bè hoặc xem phim, nghe các chương trình yêu thích giúp em đạt 8.5 IELTS trong lần thi đầu tiên.

Phương Anh hiện là học sinh lớp 11 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Trong bài thi trên máy cuối tháng 12/2022, nữ sinh đạt 9.0 ở cả kỹ năng Reading (Đọc) và Listening (Nghe), 8.0 ở kỹ năng Speaking (Nói) và 7.0 ở phần Writing (Viết).

Phương Anh cho biết bài thi Đọc không quá khó nhưng vì không đọc kỹ đề bài, em đã làm sai toàn bộ trong 10 phút đầu tiên. "Quen với dạng bài cho một câu và tìm đoạn chứa nội dung câu đó nên em chủ quan. Hôm đó có bài gồm 8 đoạn nhưng đáp án chỉ có 7", Phương Anh nhớ lại.

Sau khi phát hiện lỗi sai, dù còn 50 phút nữa cho bài thi này, nhưng Phương Anh nói đã hoàn thành bài trong 30 phút, còn thời gian để rà soát lại bài làm.

Nữ sinh nói bài Đọc có phần số ít, số nhiều và điền số từ nhất định, thí sinh viết sai chính tả hoặc thừa từ đều bị trừ điểm. Vì hay mắc phải các lỗi này trên lớp nên hôm thi, em nhắc bản thân cẩn thận hơn. Ngoài dạng này, phần thi Đọc còn có dạng bài True, False, Not Given (Đúng - Sai - Không có thông tin) khiến thí sinh bối rối. Cách của Phương Anh là nếu thấy thông tin xuất hiện trong bài thì đáp án có thể là True hoặc False, nếu không sẽ là Not Given. "True thì phải để ý đến những từ khẳng định, còn False thì quan tâm những từ phủ định", nữ sinh chia sẻ.

Ngoài ra, thay vì đọc lướt, Phương Anh thường đọc kỹ bài một lượt để nhớ được thông tin và làm được bài ngay.

Đạt 9.0 IELTS Reading sau 30 phút làm bài

Vũ Phương Anh, học sinh lớp 11 Anh 1, trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ở bài thi Nghe, Phương Anh không gặp khó khăn. Theo nữ sinh, muốn giành điểm cao, thí sinh cần giữ tâm lý thoải mái, chú ý đến chi tiết và phát âm trong bài. "Quan trọng là phải nắm được nội dung người ta muốn nói", Phương Anh cho biết.

Phương Anh nhận định người thi thường dễ mất điểm trong phần 2 và 3 với dạng bài chỉ đường, xác định phương hướng hoặc dạng bài điền từ với số ít, số nhiều. Khi luyện ở nhà, em ôn tập bằng cách tập trung cao độ, đọc rõ từ vựng ở cả hai dạng. Ngoài ra, nữ sinh thường nghe rồi lặp lại cuộc trò chuyện, tưởng tượng mình là người tham gia cuộc hội thoại để nhớ thông tin.

Với phần thi nghe trên máy, lưu ý nhỏ của Phương Anh là cần tránh bị đánh lạc hướng bởi tiếng gõ máy và dùng chuột của người xung quanh.

Ở phần thi Nói, Phương Anh thi qua video và gặp sự cố với ba lần thay người hỏi do đường truyền kém. Lần đầu tiên, khi Phương Anh đang trả lời câu hỏi, giám khảo bị thoát ra ngoài khiến em phải chờ để kết nối với người khác. "Em chuẩn bị sẵn sàng nhưng gặp tình huống đó, em cũng bất ngờ và run. Đến người thứ ba, em bình tĩnh lại và thoải mái trò chuyện", nữ sinh kể.

Đề thi nói hỏi về sức khỏe và ảnh hưởng của công nghệ đến sức khỏe của người trẻ. Đây không phải chủ đề từng luyện qua nhưng vì có hứng thú với thể thao và đang học bóng rổ, nữ sinh có ý tưởng cho bài nói ở phần 3. Tuy nhiên, trong lúc nói, Phương Anh có lúc bối rối vì tìm từ, rồi bị giám khảo yêu cầu dừng lại do quá thời gian. Phần thi này của nữ sinh được chấm điểm 8.0.

Từ phần thi của mình, nữ sinh nhận thấy cần thả lỏng, nói với giám khảo một cách tự nhiên nhất. "Ngoài ra, nếu suy nghĩ quá nhiều, bạn dễ nói vấp, nói dài, nói lan man và không vào ý", Phương Anh nói.

Theo Phương Anh, kỹ năng nghe và nói được em rèn luyện hàng ngày qua trao đổi với bạn bè, xem phim và nghe các chương trình yêu thích trên YouTube. Trước hôm thi IELTS 5 ngày, em làm bài đọc trong sách của Cambridge, xem video giả lập bài thi nói để biết tiêu chí chấm điểm của giám khảo.

Trong bốn kỹ năng, Viết không phải thế mạnh của Phương Anh. Bài thi gồm hai phần, trong một tiếng. Khi luyện thi, nữ sinh chủ yếu luyện viết phần 2, trong khi chỉ học lý thuyết dạng bài phần 1. Vì thế, ở phần 1 với các dạng bài so sánh số liệu, biến động tăng, giảm, Phương Anh chủ yếu viết theo những gì mình biết và quan sát được. Tuy nhiên, với dạng bài đưa ý kiến ở phần 2, em chỉ mất 35 phút để hoàn thành, thừa 10 phút so với yêu cầu.

Tiếp xúc với tiếng Anh từ năm lớp 3, Phương Anh từng tham dự nhiều cuộc thi ở môn học này, giành giải nhì học sinh giỏi thành phố Hà Nội năm lớp 9.

"Tiếng Anh sẽ dễ học và dễ sử dụng hơn khi ứng dụng hàng ngày", Phương Anh nói, cho biết thời gian tới sẽ tập trung thi SAT và viết bài luận để nộp hồ sơ xin học bổng du học Mỹ vào năm sau.

Theo Vnexpress